Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm và chưa có vaccine phòng ngừa
Bệnh sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, ở Việt Nam bệnh lây truyền chủ yếu từ muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ em và gây thành dịch.
Biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue gây trụy tim mạch. Bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và không có kháng sinh đặc trị. Nên bên cạnh chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, việc phát hiện, điều trị sớm và chăm sóc dinh dưỡng rất cần thiết.
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết
Nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất phụ thuộc vào các đặc điểm: tuổi, nhân trắc và mức độ nhiễm khuẩn của từng người bệnh.
Những chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho người bị sốt xuất huyết bao gồm:
Protein: Người bị sốt xuất huyết cần được cung cấp đạm (protein) cao hơn bình thường nhưng khi bị bệnh, khả năng ăn uống của người bệnh không đáp ứng được, nên trong giai đoạn cấp thăng bằng Nitơ thường âm tính. Tỷ lệ Protein trong khẩu phần tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh:
Mức nhiễm khuẩn | Tổng năng lượng E: nitơ | Kcal do protein so với tổng E | Độ sốt xuất huyết (*) |
Nhẹ | 150:1 | 16% | Độ I |
Vừa | 120:1 | 21% | Đô II |
Nặng | 100:1 | 25% | Độ III – IV (rất nặng) |
(*) Độ I: Giảm tiểu cầu (TC)+ cô đặc máu.
Độ II: Giảm TC + cô đặc máu + chảy máu tự phát.
Độ III: Giảm TC + cô đặc máu + rối loạn huyết động với các dấu hiệu như mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (Huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương: < 20 mm Hg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn.
Độ IV: Giảm TC + cô đặc máu + sốc biểu hiện rõ với các dấu hiệu không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg, phải cấp cứu nhanh trụy tim mạch.
Lipid và cacbohydrat: Là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu với người bệnh sốt xuất huyết nhằm mục tiêu tăng tỉ lệ đường đơn, đường đôi (nước đường, nước trái cây) và lipid thực vật cho dễ tiêu hóa và hấp thu, tránh sử dụng mỡ động vật vì gây khó tiêu.
Nước: Là chất bổ sung đặc biệt quan trọng, đối với bệnh sốt xuất huyết, việc cung cấp kịp thời nước qua dịch truyền là cần thiết để chống sốc và khi uống được, người bệnh cần uống nhiều nước trái cây, rau quả, mật ong.
Sinh tố và muối khoáng: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung kẽm, canxi, vitamin C, vitamin D, vitamin E… có thể là những bổ trợ hữu ích trong điều trị bệnh sốt xuất huyết trên lâm sàng, bao gồm:
-Kẽm: Kẽm can dự vào cấu trúc, xúc tác và điều hòa hàng trăm enzym có liên quan đến tổng hợp protein, tạo kháng thể, phục hồi các tổn thương mô, tạo điều kiện cho sự trưởng thành và hoạt động của tế bào lympho và sản xuất cytokine. Kẽm là một chất chống ôxy hóa có thể phá hủy các gốc tự do gây tổn thương mô. Kẽm có nhiều trong hàu, hải sản, thịt bò, cá, trứng; khoai mỡ, ổi.
-Canxi: Canxi cùng với kẽm có vai trò ổn định màng tế bào. Khi cơ thể bị thiếu canxi trong các trường hợp bệnh nặng sẽ tăng tính thấm của màng tế bào, kích thích các loại cơ bao gồm cơ trơn nên có thể gây tăng tiết dịch, gây phù. Canxi có nhiều trong trứng, tôm cua, hải sản.
-Vitamin A: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng sinh tế bào B và kích hoạt tế bào T; ảnh hưởng đến hoạt động của đại thực bào và tế bào tiêu diệt tự nhiên. Vitamin A có nhiều trong trứng, gan, các loại trái cây và rau có màu vàng cam như cà rốt, bí đỏ, khoai lang và rau xanh.
- Vitamin C: Có tác dụng lọc các loại oxy phản ứng, tăng sản xuất interferon, tạo điều kiện cho các chức năng thực bào của bạch cầu, có vai trò chống ôxy hóa mạnh, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Vitamin C có nhiều trong rau và trái cây tươi như cam, bưởi, chanh, cà chua tăng cường sức đề kháng.
- Vitamin D: Các nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D giúp chống viêm và điều hòa miễn. Có đến 80% lượng vitamin D được tạo ra từ tiền vitamin D dưới ánh sáng mặt trời. Bổ sung vitamin D hàng ngày hoặc hàng tuần là có lợi nhất nếu không thể tắm nắng hàng ngày do người bệnh không ra nắng được.
- Vitamin E: Bảo vệ màng tế bào khỏi tác hại của quá trình oxy hóa, loại bỏ các gốc peroxyl, tăng cường chức năng miễn dịch thông qua kích hoạt enzym và thay đổi biểu hiện gen. Vitamin E có trong nhiều trong hạt hướng dương, hạnh nhân, rau bina, bông cải xanh, trái bơ, bí, quả kiwi; cá hồi, tôm, dầu ô liu.
Thức ăn: Với người bệnh sốt xuất huyết, thức ăn cần được chế biến thật mềm, lỏng, nhiều nước, không màu như sữa, bột cháo, súp …. Khi người bệnh ăn khá hơn có thể cho ăn mì, phở, hủ tíu mềm.
Bữa ăn: Các bữa ăn cần được chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày. Trẻ em nên chia thành 6-8 bữa/ngày, người lớn 4 - 6 bữa/ngày.