Hiện việc sử dụng sản phẩm bổ sung chất chống oxy hóa đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nếu bổ sung không đúng cách sẽ gây hại. Vậy bổ sung các chất này như thế nào cho an toàn?
Lợi ích của các chất chống ô xy hóa
Gốc tự do trong cơ thể luôn luôn được tạo ra khi cơ thể tiêu hóa thức ăn và phản ứng với môi trường. Các yếu tố làm tăng sản xuất các gốc tự do có thể xuất phát từ bên trong cơ thể (như tình trạng viêm nhiễm) hoặc bên ngoài như ô nhiễm không khí, tiếp xúc với tia cực tím và khói thuốc lá, hóa chất công nghiệp như thuốc trừ sâu…
Tác nhân bên ngoài gây ra gốc tự do.
Nếu số lượng các gốc tự do này vượt quá khả năng cân bằng, điều chỉnh của cơ thể sẽ gây ra tình trạng stress oxy hóa. Theo thời gian, điều này sẽ góp phần gây lão hóa và phát triển nhiều bệnh, bao gồm cả ung thư.
Các chất chống ô xy hóa được cho là giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa hoặc làm chậm các tổn thương cho các tế bào gây ra bởi các gốc tự do, giữ cho các tế bào của cơ thể bạn khỏe mạnh, từ đó giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
Một số chất có tác dụng chống oxy hóa như: Vitamin A, C, E và khoáng chất selen. Các nguồn chất chống oxy hóa có thể là tự nhiên hoặc tổng hợp.
Dùng liều cao có thể gây hại
Để ngăn ngừa bệnh tật và lão hóa, nhiều người đã tự ý mua bổ sung các chất này. Tuy nhiên, uống bổ sung chất chống oxy hóa với liều lượng lớn không được khuyến khích vì nhiều lý do:
Có thể làm giảm hiệu suất tập thể thao
Cơ thể bạn sẽ tạo ra các gốc tự do như một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa năng lượng trong quá trình tập luyện. Khi mức độ tập luyện càng cao và trong thời gian dài, cơ thể bạn càng tạo ra nhiều gốc tự do. Các gốc tự do này có thể góp phần gây ra mệt mỏi và tổn thương cơ bắp nên nhiều người cho rằng, việc bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm giảm tác hại của các gốc tự do này, do đó sẽ cải thiện hiệu suất tập thể dục và phục hồi cơ.
Bổ sung chất chống oxy hóa từ thực phẩm sẽ an toàn hơn.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung chất chống oxy hóa - đặc biệt là vitamin C và E - có thể cản trở cách cơ thể bạn thích nghi với việc tập thể dục và thậm chí loại bỏ một số lợi ích sức khỏe liên quan đến việc tập thể dục.
Tăng nguy cơ ung thư
Stress oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do đối với các tế bào của cơ thể được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của ung thư. Kể từ khi chất chống oxy hóa được cho là trung hòa các gốc tự do, việc bổ sung chất chống oxy hóa đã được suy đoán có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển hoặc tử vong do ung thư.
Tuy nhiên, một số phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng việc bổ sung chất chống oxy hóa không làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư cũng như không giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Trên thực tế, việc sử dụng sản phẩm bổ sung chất chống oxy hóa không đúng cách thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Một số phân tích tổng hợp đã phát hiện ra rằng bổ sung beta-carotene, một tiền chất của vitamin A, làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang và ung thư phổi ở những người hút thuốc.
Đối với selen, có thể giúp ngăn ngừa ung thư ở những người có hàm lượng khoáng chất thấp hoặc ở những người có nguy cơ ung thư cao. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm trước khi có thể khuyến nghị selen cho mục đích này.
Có thể gây ra dị tật bẩm sinh
Vitamin A rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, nhưng khi bổ sung ở liều lượng cao có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Do đó, phụ nữ mang thai không nên bổ sung vitamin A liều cao.
Dùng liều cao chất bổ sung chống oxy hóa có thể gây hại cho cơ thể.
Beta-carotene, tiền chất của vitamin A, không được chứng minh là có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh. Nhưng do dùng chất bổ sung lâu dài này có liên quan đến ung thư, nên phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nên bổ sung chất chống oxy hóa từ thực phẩm
Bổ sung chất chống oxy hóa từ thực phẩm thay vì dùng chất bổ sung sẽ an toàn và lành mạnh hơn. Tất cả các loại thực phẩm đều chứa các chất chống oxy hóa khác nhau với số lượng khác nhau, vì vậy, điều quan trọng là phải bao gồm nhiều loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của bạn.
Chất chống oxy hóa được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm, nhưng các nguồn gốc thực vật như trái cây và rau quả đặc biệt giàu chất này, bao gồm: Rau (bông cải xanh, ớt chuông, rau bina); trái cây (cam, táo, các loại quả mọng); ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt); các loại đậu (đậu đỏ…); các loại hạt (quả óc chó, hồ đào, hạnh nhân); đồ uống (trà, cà phê…).(Theo Healthline)