Hà Nội

Bổ sung canxi - Cách nào an toàn?

09-01-2019 15:40 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Canxi là chất khoáng thiết yếu rất cần cho cơ thể ở mọi lứa tuổi với số lượng đòi hỏi cao so với các loại chất khoáng khác như sắt, đồng, kẽm...

Vì vậy, cơ thể thiếu canxi sẽ gây ra nhiều hệ lụy, nhất là trẻ em và phụ nữ mang thai.

Vai trò canxi

Canxi là thành phần cơ bản của tổ chức xương và răng, tồn tại trong các tổ chức này dưới dạng phosphat canxi. Canxi được hấp thu ở đầu ruột non. Khi canxi hấp thụ nhiều, canxi máu không tăng mà được tích lũy ở xương hoặc thải theo phân, nước tiểu. Vì vậy, thiếu canxi là do ăn ít canxi hoặc do chứng kém hấp thu canxi, lúc này canxi ở xương sẽ chuyển vào máu dưới tác dụng của tuyến cận giáp để giữ cho canxi và photphat trong máu được quân bình. Nếu thiếu canxi kéo dài, canxi và photphat từ xương bị rút mãi sẽ gây mềm xương, còi xương, rối loạn quá trình cốt hóa, loãng xương và khoáng hóa răng.

Ở trẻ em, biểu hiện thiếu canxi rõ và nhanh hơn người lớn vì lượng canxi dự trữ của trẻ ít. Nếu thiếu canxi xảy ra ở giai đoạn hình thành men răng và ngà răng của trẻ, răng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trẻ em thiếu canxi sẽ chậm tăng chiều cao, còi cọc (thấp, lùn) hay khóc đêm, hay giật mình khóc thét, đổ mồ hôi trộm… (dấu hiệu của còi xương).

Với phụ nữ đang mang bầu rất cần canxi, bởi vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành xương và răng cho thai nhi. Thai càng lớn thì xương thai nhi càng phát triển và phụ nữ càng trẻ càng cần canxi nhiều hơn. Một thai phụ cần 1.200mg canxi mỗi ngày. Việc cung cấp đủ nhu cầu canxi trong thời kỳ mang thai sẽ giúp tạo thành và phát triển bộ xương thai nhi và bảo đảm toàn vẹn bộ xương của mẹ. Vì vậy, trong thời gian mang bầu, nếu thiếu canxi sau này trẻ có thể dẫn đến tình trạng bị còi xương, chậm lớn, ảnh hưởng đến men răng và ngà răng. Đối với người mẹ, lượng canxi không được cung cấp đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng lung lay, chuột rút, nặng hơn nữa có thể lên cơn co giật do hạ canxi huyết quá mức với các biểu hiện đặc trưng bàn tay co rúm, các ngón tay chụm lại giống như “bàn tay người đỡ đẻ”. Phụ nữ lúc mang bầu thiếu canxi, khi có tuổi, có thể bị còng lưng, đau nhức xương khớp, loãng xương và xương dễ bị nứt, gãy, nhất là khi có va chạm, ngã, vấp…

Bổ sung canxi Nên sử dụng thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn hàng ngày.

Bổ sung như thế nào?

Với trẻ em, sữa và các chế phẩm từ sữa được coi là nguồn canxi dồi dào, rất tốt cho sự phát triển của hệ xương, nhất là đối với trẻ ở độ tuổi phát triển. Có thể bổ sung cho trẻ sữa tươi (với trẻ trên 12 tháng tuổi), sữa chua, phô mai… hàng ngày để đảm bảo phát triển xương răng chắc, khỏe. Ngoài ra, cần ăn thêm trái cây và rau xanh (cam, quýt…), khi ăn trái cây tươi lượng canxi sẽ không bị phá hủy bởi nhiệt nên cơ thể dễ dàng hấp thu hơn. Các loại cải xanh đậm màu như cải xoăn, cải bắp... là nguồn cung cấp canxi dồi dào cho cơ thể.

Với người mẹ đang mang bầu có thể ăn một số thức ăn chứa nhiều canxi như cua đồng, tôm đồng (càng nhỏ càng tốt để ăn cả vỏ), cá nhỏ (để ăn cả xương), sữa bột, sữa bò, sữa dê tươi, sữa bột đậu nành, cà rốt, vừng... Tuy vậy, không phải ăn vào bao nhiêu canxi thì cơ thể hấp thu được hết. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ với thức ăn đa dạng, nhiều rau, củ, quả và có thể dùng thuốc có canxi theo đơn của bác sĩ sản khoa và không kiêng khem vô lý. Hàng ngày chọn lựa thức ăn có nhiều canxi cho bà mẹ mang bầu là điều cần thiết.

Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc canxi như dạng viên nén, viên sủi, dạng thuốc nước, dạng siro uống, dạng siro nhỏ giọt… thường là canxi carbonat, gluconat, citrat, canxi nano…

Đối với trẻ em: Khi bổ sung canxi bằng thuốc cho trẻ cần lưu ý dùng sau bữa ăn sáng, cần kết hợp với bổ sung vitamin D để tăng hấp thụ canxi vào cơ thể (cách bổ sung vitamin D đơn giản và an toàn nhất là cho trẻ phơi nắng và vận động ở ngoài trời), tránh dùng chung canxi với sữa... Tuy nhiên, nên lưu ý, canxi có thể tương tác với vài loại thuốc như kháng sinh tetracyclin, thuốc trị bệnh tuyến giáp...

Đối với phụ nữ mang thai: Cần bổ sung ngay từ khi mang thai đến sau khi sinh. Cần bổ sung theo chỉ dẫn của thầy thuốc cũng như cần tính toán kỹ lượng canxi đưa vào cơ thể qua thuốc và dinh dưỡng để tránh dư thừa canxi. Lượng canxi cần thiết cho phụ nữ mang thai ở các giai đoạn: Giai đoạn 3 tháng đầu là 800mg/ngày, 3 tháng giữa là 1.000mg/ngày, 3 tháng cuối là 1.500mg/ngày. Nên bổ sung canxi vào buổi sáng, tránh dùng vào buổi tối gây khó ngủ và lắng đọng canxi tại thận… Bà bầu bị đái tháo đường cần tránh uống các loại canxi trong thành phần có chứa nhiều đường. Bà bầu bị tiền sản giật, tăng huyết áp (cần hạn chế muối natri) thì phải cẩn thận khi bổ sung canxi có chứa muối natri. Không bổ sung canxi cùng lúc với những thực phẩm có chứa oxalate như chocolate, trà, dâu tây, nước ép hoa quả… vì thực phẩm chứa oxalate khi kết hợp với canxi sẽ làm giảm hấp thu canxi. Bà bầu không được uống thuốc viên canxi hoặc phải tạm dừng uống khi có tiền sử bị sỏi thận, bị suy thận, trong máu có nhiều canxi… Không uống canxi cùng thời điểm với sắt.


BS. Bùi Mai Hương
Ý kiến của bạn