Bổ sung canxi bằng thuốc, cách nào?

23-01-2021 14:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thiếu canxi hay hạ canxi máu là vấn đề có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, là hiện tượng tạm thời, nhưng nếu để kéo dài, mạn tính sẽ gây ra nhiều nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe... Vậy bổ sung khoáng chất này thế nào?

Một số tình trạng có thể xảy ra khi cơ thể thiếu canxi

Loãng xương: Canxi là thành phần quan trọng nhất của xương. Canxi giúp xương phát triển, cải thiện chiều cao và tầm vóc của trẻ em trong độ tuổi dậy thì, giúp duy trì bộ xương chắc khỏe. 90% hàm lượng canxi tập trung ở xương và răng. 1% lượng canxi còn lại nằm trong máu và các tế bào để duy trì chức năng của cơ thể. Trong trường hợp tổng lượng canxi giảm, cơ thể sẽ rút khoáng chất này từ xương làm cho xương dễ gãy hơn, dễ bị chấn thương. Ngoài ra, nguy cơ loãng xương (một tình trạng giảm mật độ xương) và loãng xương tăng lên. Nhiều người đánh giá thấp sự nguy hiểm này, trong khi đó, loãng xương góp phần gây đau đớn, ảnh hưởng đến các vấn đề về tư thế, thậm chí gây tàn tật.

Chỉ bổ sung canxi bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

Chỉ bổ sung canxi bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

Rối loạn nhịp tim: Các ion canxi chịu trách nhiệm cho sự co bóp của cơ bắp, bao gồm cả cơ tim và cung cấp các xung điện cho hệ thống dẫn truyền của tim. Sự thiếu hụt canxi gây ra các rối loạn được biểu hiện như nhịp tim chậm, giảm co bóp cơ tim, rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Tăng huyết áp: Canxi đóng vai trò trung gian trong việc co thắt và thư giãn các mạch máu, giúp chống lại tăng huyết áp. Sự phát triển của tăng huyết áp là hậu quả thường xuyên của việc thiếu khoáng chất này trong cơ thể. Tăng huyết áp là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.

Tim đập nhanh: Canxi giúp điều chỉnh quá trình co cơ, bao gồm sự co cơ ở cơ quan trọng nhất là tim. Canxi giúp gửi tín hiệu đến tim, giúp tim co bóp bơm máu đi khắp cơ thể. Thiếu canxi có thể dẫn đến tình trạng nhịp tim bất thường. Các triệu chứng bao gồm loạn nhịp tim hoặc tim đập quá nhanh. Thiếu canxi quá mức thậm chí có thể dẫn đến suy tim, vì cơ tim trở nên kém hiệu quả khi co bóp và bơm máu.

Béo phì: Não của chúng ta rất nhạy cảm với sự thay đổi của canxi. Khi thiếu khoáng chất này, nó bắt đầu tạo ra các tín hiệu khuyến khích tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn để bổ sung lượng dự trữ vi chất dinh dưỡng. Cùng với điều này, các quá trình tiêu cực có thể xảy ra trong cơ thể: Tăng cân, tăng nồng độ cholesterol trong máu, sự phát triển của rối loạn chuyển hóa... dẫn tới béo phì.

Sâu răng: Canxi là một thành phần chính của răng và xương, do đó thiếu canxi thường dẫn đến sâu răng hoặc gãy răng.

Bổ sung thế nào?

Việc đáp ứng nhu cầu canxi thông qua chế độ ăn uống là an toàn nhất. Hầu hết mọi người có thể nhận được đầy đủ canxi thông qua chế độ ăn uống khi bổ sung các thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn. Các thực phẩm giàu canxi như: quả hạnh, các loại đậu, đậu nành, phô mai, cá mói, sữa ít béo (sữa và sữa chua), các loại rau xanh (cải xoăn, rau bina).

Bên cạnh chế độ ăn cần tăng cường vận động để tăng cường sức khỏe xương. Các bài tập chịu sức nặng như đi bộ, chạy bộ và tập tạ đặc biệt hữu ích trong việc ngăn ngừa mất xương. Chỉ cần di chuyển nhiều hơn trong ngày cũng sẽ hỗ trợ sức khỏe của xương.

Trong trường hợp muốn bổ sung canxi bằng thuốc hay sản phẩm bổ sung, cần có ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý mua dùng.

Không nên dùng thuốc bổ sung canxi để phòng ngừa loãng xương hay gãy xương, vì nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc bổ sung canxi để ngăn ngừa gãy xương hông có rất ít hoặc không có lợi. Mặt khác, các nghiên cứu gần đây đã liên kết việc bổ sung canxi với việc tăng nguy cơ polyp ruột kết và sỏi thận, tăng nguy cơ tích tụ canxi trong động mạch tim (nếu dùng thừa), có thể gây ra các cơn đau tim và bệnh tim...


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn