Theo các chuyên gia sản khoa, trong hơn hai thập kỷ qua, bổ sung axit folic đã trở thành một vấn đề thiết yếu của giai đoạn trước khi mang thai và chăm sóc thai sớm trên toàn thế giới. Những tác dụng của axit folic đã được công nhận rộng rãi, bổ sung axit folic là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa các biến chứng trong thai kỳ.
Từ những năm 1990, hiệu quả của axit folic góp phần giảm đáng kể nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh, giảm thiểu các biến chứng trong thai kỳ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu, do đó, việc bổ sung axit folic ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được đưa ra nhằm giải quyết hai vấn đề chính: thiếu máu mẹ và dị tật DTOTK.
Hiện nay đã có khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên bổ sung axit folic liều 400µg/ngày trước khi mang thai ít nhất 30 ngày và tiếp tục dùng hàng ngày trong tam cá nguyệt đầu (FIGO). Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu nước ngoài cho thấy tỷ lệ thai phụ có bổ sung axit folic trước khi mang thai còn thấp, và tỷ lệ này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Thai phụ chưa hiểu rõ tầm quan trọng của axit folic
Với câu hỏi “Tỷ lệ thai phụ uống bổ sung axit folic trong giai đoạn mang thai sớm là bao nhiêu?”, nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS.BS. Lê Hồng Cẩm (ĐH Y Dược TP.HCM) và BS. Nguyễn Hải Anh Vũ (BV.Từ Dũ) đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu về “Tỷ lệ thai phụ bổ sung axit folic và các yếu tố liên quan trong giai đoạn sớm thai kỳ tại bệnh viện Từ Dũ”. Nghiên cứu thực hiện trên 650 thai phụ ghi nhận chỉ 117 thai phụ (18%) uống bổ sung axit folic trước khi mang thai và đa số thai phụ bắt đầu uống bổ sung axit folic trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ thấp bổ sung axit folic trước khi mang thai trong nghiên cứu có thể do nhận thức của thai phụ về tầm quan trọng của bổ sung axit trong thai kỳ còn kém, cụ thể chỉ có 35,9% thai phụ đã từng nghe/đọc về axit folic, có hơn 50% thai phụ không biết bổ sung axit folic giúp ngừa DTOTK, và có tỷ lệ rất thấp 6,2% thai phụ biết nên bổ sung axit folic ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Ngoài ra, số thai phụ khám sức khỏe trước khi mang thai không cao (22,6%), trong đó, số thai phụ được bác sĩ tư vấn bổ sung axit folic trong giai đoạn sớm thai kỳ là 44,9%, nhưng hơn 80% thai phụ có bổ sung axit folic trước khi mang thai không theo toa thuốc của bác sĩ.
Hơn nữa, bác sĩ sản khoa không phải là nguồn cung cấp thông tin về axit folic chủ yếu cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, mà chỉ chiếm vị trí thứ 2 sau phương tiện truyền thông. Vì vậy, thai phụ không có được các thông tin cần thiết và đúng nhất về bổ sung axit folic trong giai đoạn sớm thai kỳ. Do vậy, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo rằng phụ nữ trong tuổi sinh đẻ dự định có thai nên đi khám sức khỏe trước khi mang thai, ngoài việc tầm soát các bệnh để điều trị, tiêm ngừa các vắc xin cần thiết còn được cho thuốc axit folic để ngừa DTOTK thai nhi.
Khoảng một nửa số trường hợp mang thai thường là không có kế hoạch, vì vậy theo các chuyên gia Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chế độ ăn tăng cường một số loại thực phẩm để tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể hấp thu đủ axit folic hàng ngày. Những thực phẩm sau đây có thể giúp bạn có đủ lượng axit folic được khuyến nghị:
- Các loại rau lá xanh đậm (rau cải, rau bina, măng tây, bông cải xanh…).
- Các loại đậu.
- Đậu phộng.
- Hạt hướng dương.
- Trái cây họ cam quýt.
- Các loại ngũ cốc.
- Gan.
- Thủy hải sản.
- Trứng…
Ngăn ngừa khiếm khuyết thần kinh
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chế độ dinh dưỡng đặc biệt là thực phẩm giàu folate, và uống bổ sung axit folic từ 1 - 3 tháng trước khi mang thai. Folate là dạng vitamin B9 tự nhiên, tan được trong nước và được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Nó cũng được thêm vào thực phẩm và được bán dưới dạng bổ sung axit folic.
Folate giúp hình thành các thông tin gien di truyền như DNA và RNA và tham gia vào quá trình chuyển hóa protein. Folate cũng cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và rất quan trọng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, chẳng hạn như trong thai kỳ và sự phát triển của thai nhi.
Các khuyết tật ống thần kinh thường xuất hiện trong 28 ngày đầu tiên của thai kỳ, thường là trước khi người phụ nữ biết rằng mình đang mang thai. Nếu bạn thấy mình có thai và chưa uống axit folic, bạn nên bắt đầu ngay bây giờ để giúp ngăn ngừa bất kỳ khiếm khuyết thần kinh nào trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Những rủi ro của việc không dùng axit folic là gì?
Sự thiếu hụt của axit folic trong thai kỳ làm tăng khả năng khiếm khuyết ống thần kinh (một khiếm khuyết trong sự phát triển của tủy sống).
Nứt đốt sống, spina bifida, là một khuyết tật của ống thần kinh (neural tube defect - NTD). Thuật ngữ này mô tả gai xương bị hở hay cột sống có phần không kín hoàn toàn. Nếu các đốt sống (xương cột sống) bao quanh tủy sống không đóng kín trong 28 ngày đầu sau khi thụ tinh, dây rốn hoặc dịch tủy sống phình ra, thường ở lưng dưới.
Não phẳng (Anencephaly) là một khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng, khi một đứa trẻ được sinh ra mà không có các bộ phận của não và hộp sọ.