Theo luật này, về đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND, khoản 4 của Luật CAND được sửa đổi, bổ sung thành: "Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác; trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định".
Về số lượng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, luật quy định, thượng tướng không quá 7, bao gồm: Thứ trưởng Bộ Công an (không quá 6) và sĩ quan CAND biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Số lượng thiếu tướng không quá 162.
UBTVQH quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong luật này, quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan ở đơn vị thành lập mới nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Luật CAND hiện hành đã quy định 199 vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng; từng vị trí đã được quy định cụ thể trong luật và trong Nghị quyết của UBTVQH. Luật bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng là đủ số lượng vị trí theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Đối với trường hợp, sĩ quan CAND biệt phái được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội thì sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp bậc hàm cao nhất theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật hiện hành.
Trong 6 vị trí được bổ sung có 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng với sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. 5 vị trí có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng gồm: Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân; 1 trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng 2 vị trí Phó Cục trưởng và tương đương của 2 đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
UBTVQH thông tin, hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Lao động từ năm 2021, do đó, cần thiết phải điều chỉnh hạn tuổi phục vụ của CAND để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa các đối tượng, ngành nghề lao động, đồng thời cũng bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Theo đó, luật bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an: Cụ thể, hạ sĩ quan 47 tuổi; cấp úy 55; Thiếu tá, Trung tá (nam 57, nữ 55); Thượng tá (nam 60, nữ 58); Đại tá (nam 62, nữ 60); Cấp tướng (nam 62; nữ 60).
Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan công an là cấp úy, Thiếu tá, Trung tá; Thượng tá, nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Trường hợp đặc biệt sĩ quan có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Với công nhân công an: Hạn tuổi phục vụ cao nhất với nam là 62 tuổi, nữ 60 tuổi và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động.
Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.