Nhắc đến anh Trần Văn Ngà (SN 1983) ở xóm Lâm Tiến, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định ai cũng thương cảm. Gần 1 năm nay, người dân ở đây đã quen với hình ảnh một người phụ nữ ngoài 30 tuổi lúc nào cũng tất bật chăm sóc chồng đang sống cảnh thực vật và 3 đứa con thơ dại là chị Nguyễn Thị Hà, SN 1984.
Mọi thứ trong gia đình nhà anh Ngà, chị Hà bị đảo lộn kể từ khi anh Ngà bị tai nạn lao động. Trước đây, anh Ngà đi làm thợ xây. Trong một lần lao động, anh không may bị điện giật trượt chân ngã xuống. Dù anh được đưa đi cấp cứu nhanh chóng nhưng di chứng nặng nề sau vụ tai nạn khiến anh Ngà phải sống cảnh thực vật.
Anh Ngà sống đời sống thực vật sau tai nạn điện giật. Ảnh GDCC
Thương chồng, chị Hà chạy vạy vay mượn khắp nơi quyết tâm đưa chồng đi hết viện này đến viện khác. Thế nhưng, tình trạng của anh Ngà không có tiến triển cùng với những chi phí đắt đỏ vì không có bảo hiểm y tế. Số tiền vay mượn được chỉ như muối bỏ bể, cuối cùng gia đình đành chấp nhận đưa anh về nhà phó mặc cho số phận.
Anh Ngà chìm vào hôn mê từ đó. Thế giới của anh giờ chỉ còn quanh quẩn quanh 4 bức tường trên chiếc giường. Mọi hoạt động của cơ thể dù đơn giản nhất như ăn, uống cũng đều cần tới sự trợ giúp. Suốt gần năm trời nằm bất động trên chiếc giường nhỏ, cơ thể của anh teo tóp dần chỉ còn da bọc xương. Do nằm lâu ngày nên vùng da ở thắt lưng đang có dấu hiệu hoại tử.
Chị Hà thay chồng gánh vác cả gia đình. Anh Ngà nằm một chỗ khó có thể cảm nhận được ở bên ngoài kia là chuỗi ngày cực nhọc, vất vả của người vợ đang phải gồng gánh lo toan cho cả gia đình. Nhìn chồng hôn mê không có phản ứng gì, chị Hà vẫn tin là mắt anh có thể đón nhận mọi việc. Ngày ngày chị lo chuyện ăn uống, lau người, vệ sinh cho chồng rồi thủ thỉ đủ thứ chuyện với anh dẫu ai cũng bảo rằng "người sống thực vật như cỏ cây vô hồn không nghe hiểu gì". Chị vẫn tin một ngày nào đó, chồng chị sẽ cử động lại bình thường.
Gần 1 năm nay, chị Hà lo gánh vác gia đình khi chồng nằm sống thực vật. Ảnh GD
Không có người chăm lo cho chồng con, chị Hà cũng phải nghỉ việc. Mọi khoản từ tiền thuốc thang, tiền học cho con nhiều khi chị phải đi mượn khắp nơi. Nợ nần cứ chồng chất. Điều khiến chị trăn trở nhất lúc này chính là 3 đứa con còn nhỏ của vợ chồng chị. Năm nay, con gái lớn của anh chị vào lớp 9, đứa thứ 2 lên lớp 7 và con trai út vào lớp 4.
"Các con của tôi còn quá nhỏ. Bố cháu giờ nằm một chỗ mà tôi lại không đi làm được, không làm ra tiền chẳng biết phải xoay sở sao cho các con học hành. Năm học mới cũng đã bắt đầu, chẳng lẽ bắt các con phải nghỉ học giữa chừng" – chị Hà nghẹn ngào chia sẻ.
3 con thơ của anh Ngà. Ảnh GD
Nỗi lo thuốc thang cho chồng, rồi tiền học hành cho các con khiến cho người phụ nữ ấy ngày càng tiều tụy, già hơn so với tuổi. Anh Ngà đã vượt qua cửa tử nhưng phần đời còn lại hoàn toàn phụ thuộc, tất cả đều trông cậy vào vợ. Hàng ngày để duy trì sự sống, anh phải ăn qua xông, dùng các loại thuốc uống và thuốc chống loét cũng ngót ngét cả vài triệu. Rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để chị Hà có thêm nghị lực lo cho chồng, nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học thành người.
Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Hà, anh Ngà - Mã số 689 xin gửi về:
1. Chị Nguyễn Thị Hà, ở xóm Lâm Tiến, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 689
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 689
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0368446179
4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
Đề gửi Mã Số 689