Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị, các chính sách đã tác động tích cực đến công tác BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay ước đạt 87% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm; BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, thực tiễn quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập như giao trần, giao quỹ khám chữa bệnh; phạm vi chứng chỉ hành nghề, hành nghề, quy trình chuyên môn, cơ cấu và giá dịch vụ y tế, xã hội hóa - liên danh, liên kết, công nghệ thông tin...
Có nhiều nguyên nhân gây ra những bất cập này, nhưng trong đó có một nguyên nhân quan trọng, đó là các bên chưa hiểu đúng và đầy đủ các văn bản. Văn bản hướng dẫn của cơ quan BHXH có khác biệt với hướng dẫn của Bộ Y tế nên có thể gây tranh luận kéo dài giữa các bên. Do đó, sau khi xin ý kiến rộng rãi các bên liên quan, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Hội nghị phổ biến Nghị định 146.
Nghị định 146 vừa ban hành có một số điểm mới vô cùng quan trọng: Bổ sung một số đối tượng tham gia; quy định tham gia theo hộ gia đình không bắt buộc tham gia cùng thời điểm; quy định chi tiết hồ sơ, điều kiện, nội dung và mẫu hợp đồng KCB BHYT; bỏ quy định giao quỹ KCB BHYT cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã), thay vào đó là giao tổng mức thanh toán đối với các cơ sở y tế; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB; bổ sung quy định mới về công nghệ thông tin trong quản lý KCB BHYT...
Nhấn mạnh về những điểm mới của Nghị định 146, TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Nghị định 146 lần này quy định rất rõ, các cơ sở y tế nếu vượt mức trần quỹ KCB, sẽ không được thanh toán BHYT. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không còn khái niệm vượt trần, vượt quỹ nữa. Do đó cần nâng cao tính tự chủ của các cơ sở y tế, các giám đốc BV, chủ cơ sở KCB để làm sao hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh. Nhưng đồng thời cũng phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quỹ BHYT, đặc biệt là chống sự trục lợi trong vấn đề này...
Để quản lý tốt hơn nữa quỹ BHYT tại các cơ sở y tế, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn yêu cầu lãnh đạo các sở y tế, các cơ sở KCB nêu cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả BHYT, từ việc sử dụng thuốc, vật tư, chỉ định xét nghiệm, thường xuyên nắm thông tin về tình hình sử dụng quỹ để điều hành hợp lý.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH các cấp cần thường xuyên phối hợp, làm việc chặt chẽ với sở y tế, các cơ sở KCB, chia sẻ thông tin kịp thời về tình hình sử dụng quỹ, giao và cấp kinh phí đầy đủ, giám định chính xác, nhanh, không để chậm, treo quyết toán kéo dài gây ảnh hưởng đến cung ứng dịch vụ KCB cho nhân dân...
Nghị định 146 quy định có 05 trường hợp được hưởng 100% chi phí KCB BHYT.
Thứ nhất: Hỗ trợ 100% chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Thứ hai: Hỗ trợ 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi.
Thứ ba: Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã.
Thứ tư: Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở
Thứ năm: Hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB không đúng tuyến.