Báo cáo tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 24/8, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin ý kiến UBTVQH đối với một số vấn đề lớn.
Đối với quy định điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (BĐS) trong dự án luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hoạt động kinh doanh BĐS được điều chỉnh theo Luật Kinh doanh BĐS là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do những chủ thể được đăng ký ngành, nghề kinh doanh chuyên nghiệp, không điều chỉnh đối với các giao dịch dân sự thông thường.
Về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành cho rằng, theo Luật Xây dựng, thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, nội dung của thiết kế cơ sở thể hiện các thông tin về dự án, công trình.
Khi thiết kế cơ sở được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn về xây dựng, tính pháp lý của dự án là đủ rõ với người mua, thuê mua nên có thể cho phép nhận đặt cọc. Bên cạnh đó, qua quá trình nhận đặt cọc, doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ có cơ hội để nghiên cứu cụ thể hơn về nhu cầu của các khách hàng tiềm năng, chủ động hơn về phương án kinh doanh, từ đó hoàn thiện thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH về các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch BĐS thông qua sàn nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch; bổ sung chính sách của nhà nước đối với đầu tư kinh doanh BĐS. Theo đó "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch BĐS".
Thảo luận tại phiên họp, về điều kiện tổ chức cá nhân kinh doanh BĐS, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với phương án không áp dụng Luật Kinh doanh BĐS đối với trường hợp không nhằm mục đích kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhằm mục đích kinh doanh thì phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh BĐS theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình nhằm mục đích kinh doanh không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nếu tại một thời điểm tung ra nhiều dự án BĐS quá, khi cung vượt cầu thì sẽ gây ra nhiều khó khăn. Ngược lại, ở thời điểm cầu vượt cung thì dẫn đến khan hiếm, đầu cơ BĐS, đẩy giá lên cao.
"Do đó, việc sửa đổi luật cần rà soát xem đã điều chỉnh vấn đề này chưa. Ngoài ra là vai trò điều phối chung của nhà nước được quy định ra sao trong luật", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thanh toán qua ngân hàng thì giao dịch BĐS qua sàn hay không qua sàn cũng vẫn minh bạch. Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng trong một tập đoàn kinh doanh BĐS thường sẽ có một công ty chuyên phân phối hoặc có liên kết với công ty phân phối. Do đó, không phải giao dịch nào cũng qua sàn, kết nối được giữa người mua và người bán.
"Có nhiều loại thị trường, nhiều loại sàn khác nhau chứ không phải cứ có sàn là tốt. Chúng ta phải thông suốt về nhận thức ở chỗ này", Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết chỉ cần thông tin thị trường đầy đủ, thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ minh bạch. Do đó, những vấn đề cốt lõi của dự án luật này cần được rà soát lại; nhiều nội dung nằm ở các luật có liên quan.