Tháng 2/1017, Maria Sklodowska-Curie - bộ phim (hợp tác Pháp - Ba Lan - Đức, nữ đạo diễn Pháp Marie Noelle) về người phụ nữ Pháp gốc Ba Lan đầu tiên và duy nhất đoạt 2 giải Nobel (Vật lý - 1903, Hóa học - 1911) sẽ ra mắt công chúng. Trước khi chứng kiến nữ diễn viên Ba Lan Karolina Gruszka thể hiện nhân vật xuất chúng thế nào, hãy tham khảo 8 chi tiết thú vị về đời tư nhà khoa học nổi tiếng.
1. Người đẹp đầu tiên xuất hiện trên giảng đường Đại học Sorbon và nhận giải Nobel tại Stockholm
Marie Curie (1867-1934) mang lại khá nhiều thành quả cho phong trào giải phóng phụ nữ thế giới thế kỷ XX. Không chỉ là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel, bà cũng là đại diện phái đẹp đầu tiên đăng quang giải danh giá này 2 lần. Hơn thế, Marie Curie cũng là người mở đường tại Đại học Sorbon, nơi bà đảm trách cương vị Chủ nhiệm Khoa Vật lý kế nhiệm chồng, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên tại đại học uy tín hàng đầu nước Pháp và thế giới, vốn phái mạnh chiếm địa vị độc tôn. Cho dù trong giới giảng dạy đại học và giới khoa học biết rất rõ những công trình của Marie Curie, đánh giá cao đóng góp của bà cho sự phát triển các ngành hóa học, vật lý và y học, song vì là phụ nữ, tác giả 2 giải Nobel chính thức chưa bao giờ được công nhận là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
2. Bạn thân của thiên tài Einstein
Marie Curie có quan hệ rất gần gũi với Ernest Solvay (1838-1922) nhà hóa học kiêm nhà công nghiệp thiên tài người Bỉ, kết bạn thân thiết với nhà vật lý xuất sắc nhất thế kỷ XX Albert Einstein (1879-1955), nhà khoa học liên tục nhiều năm duy trì quan hệ thư tín. Có chi tiết lý thú, hai nhà khoa học viết thư cho nhau bằng tiếng mẹ đẻ của mình - Marie Curie viết bằng tiếng Pháp, còn cha đẻ Thuyết Tương đối viết bằng tiếng Đức. Các nhà viết tiểu sử của cả hai nhà khoa học đều nhất trí nhấn mạnh, Einstein mang ơn Marie Curie về sự nghiệp của mình. Chính Marie Curie đã viết lời tiến cử Einstein, khi Einstein đệ đơn xin xét duyệt chức danh Giáo sư Đại học Zurych Đức danh tiếng. Sau ngày Marie Curie qua đời, nhà vật lý Đức thậm chí vẫn đánh giá cao phẩm cách người bạn gái và bao giờ cũng nói về Marie Curie với tình cảm nồng ấm.
Nữ diễn viên Ba Lan Karolina Gruszka sắm vai Marie Curie trong phim Maria Sklodowska-Curie
3. Cặp đôi lý tưởng
Giải Nobel đầu tiên gần như chắc chắn không được trao cho Marie Curie, nếu không có phản ứng quyết liệt của Pierre Curie, chồng bà, nhà khoa học từ chối một mình nhận giải. Pierre Curie nhấn mạnh, phát minh khoa học ông có được nhờ đóng góp ngang bằng của ông và Marie. Vả lại không chỉ có tình yêu hóa học và vật lý gắn kết hai người. Pierre và vợ Marie rất yêu nhau và đã tạo nên cuộc hôn nhân vô cùng hạnh phúc, họ có hai con gái rất thông minh và tài giỏi. Tuy nhiên, tai nạn bất hạnh năm 1906 đã cướp mạng sống của Pierre, cắt ngang hạnh phúc gia đình.
4. Đằng sau tay lái
Marie là một trong những phụ nữ đầu tiên trên thế giới thi lấy bằng lái xe hơi, kể cả bằng lái xe tải. Tuy nhiên, bà vẫn thích đi xe đạp hơn xe hơi. Hàng ngày Marie Curie cần mẫn đạp xe đạp đến trường giảng bài và đến phòng thí nghiệm. Cùng chồng, bà cũng đạp xe đến khu nghỉ dưỡng hưởng tuần trăng mật. Ngoài ra, tác giả giải Nobel cũng đam mê bơi lội - bơi sải là nội dung ưa thích của bà.
5. Cuộc tình lãng mạn, mà bão táp
Giai đoạn sóng gió nhất trong cuộc đời Marie Curie, sau ngày chồng bà qua đời là cuộc tình với nhà vật lý Pháp nổi tiếng, Paul Langevin. Mối quan hệ với người đàn ông đã có vợ gây cho bà khá nhiều phiền toái - báo chí lên án hành vi “phi đạo đức”, kết tội Marie phá vỡ hạnh phúc gia đình của đồng nghiệp. Vụ bê bối cũng tác động tiêu cực đến uy tín chuyên môn của nhà khoa học. Đúng thời điểm Marie Curie trở thành tác giả giải Nobel thứ 2. Những người bảo thủ khuyên Marie Curie từ chối nhận giải, không ít thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đề xuất phương án tạm hoãn hoặc hủy giải dành cho Marie Curie. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Marie Curie vẫn có mặt đúng hẹn tại Stockholm và ra tuyên bố, “không nên lấy chuyện đời tư nhà khoa học để đánh giá thành quả khoa học”. Cuối cùng lễ trao giải vẫn diễn ra long trọng và suôn sẻ.
Mối tình lãng mạn bất thành của hai nhà khoa học dường như đã “đầu thai” có hậu vào thế hệ thứ 3 của họ. Helene Joliot, cháu gái của Marie Curie kết duyên cùng Michel Langevin, cháu nội của Paul Langevin. Cả hai cũng duy trì truyền thống hoạt động khoa học của gia đình - tương tự thế hệ ông bà, hậu duệ cũng là tiến sĩ vật lý.
6. Người phụ nữ thành đạt
Marie Curie được tôn vinh là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất 2 thiên niên kỷ vừa qua. Năm 2015, đông đảo dân Scotland đã bình chọn danh hiệu cao quý đó cho Marie Curie, trong bảng xếp hạng thực hiện tại Vương quốc Anh, Marie Curie giành vị trí thứ 2, sau cựu Thủ tướng Margaret Tatcher. Những đóng góp của Marie Curie trong lĩnh vực khoa học thật vô giá - nhờ phát minh của bà, ngay đầu thế kỷ XX, y học đã điều trị có hiệu quả bệnh ung thư cổ tử cung, phổ cập xét nghiệp chụp Xquang. Marie Curie là nhà khoa học đầu tiên đưa khái niệm “tia phóng xạ” vào từ điển thuật ngữ khoa học. Theo gương mẹ, con gái Irene Joliot - Curie (1897-1956) cũng giành giải Nobel (Hóa học, 1935).