Quốc hội cũng sẽ dành một ngày cho việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức (xét về phương diện lý thuyết). Nếu có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là việc làm cần thiết nhưng cử tri không khỏi băn khoăn làm thế nào để việc lấy phiếu tín nhiệm được chính xác, tránh các trường hợp người không làm gì cả, ít phát biểu chính kiến, ngại va chạm, lại được phiếu cao. Về việc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội này, tôi cũng đã bàn đến trong nhiều bài báo trên Sức khỏe&Đời sống. Tuy nhiên, ý kiến của tôi vẫn chỉ là góc nhìn hạn hẹp của một cử tri, lại là người ngoài cuộc, nên cũng khó có được sự chuẩn xác.
Điều quyết định cho việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh là các đại biểu Quốc hội phải thực sự công tâm, khách quan, biết và dám đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân... thì mới có thể chọn được kẻ sĩ. (ảnh minh họa)
Bây giờ chúng ta có thể tiếp cận gần hơn, qua ông Tô Văn Trường. Ông Trường là một nhà khoa học, từng nhiều năm làm trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cứ như lời ông thì tổng kết công tác cán bộ ở nước ta qua các thế hệ từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) đến nay, cho thấy thế hệ tiếp theo luôn kém hơn thế hệ trước đó. Kém cả về năng lực và phẩm chất ở các thế hệ tiếp nối trong cán bộ lãnh đạo là một khuynh hướng có thật. Và đây cũng là điều phổ biến trong tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Vấn đề này không khó lý giải, nhưng cũng không thể giải quyết được trong cơ chế hiện hành. Cử tri rất mong các đại biểu Quốc hội dù “Đảng cử Dân bầu”, nhưng danh chính ngôn thuận vẫn là đại biểu của nhân dân, phải tìm hiểu kỹ, đánh giá thận trọng, khách quan và phải có chính kiến, tránh lặp lại như trường hợp hồi bỏ phiếu thông qua mở rộng Thủ đô, đợt đầu là 50/50, nhưng chỉ sau một tuần số phiếu đã lên đến 93% rồi. Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV vừa qua, có nhiều đại biểu trúng cử với số phiếu rất cao, nhưng lại không đủ tư cách như Trịnh Xuân Thanh, Châu Thị Thu Nga, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh và có thể còn nữa... mà không ai phải chịu trách nhiệm cả.
Cũng theo ông Tô Văn Trường, ngay sau đợt bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên, từ tháng 11/2014 các chức danh do Quốc hội Việt Nam bầu hoặc phê chuẩn, công luận có một số ý kiến tập trung chủ yếu ở các điểm bất hợp lý. Điều đó cũng cho thấy có sự không bình đẳng, bởi sự phân hóa rất rõ rệt, khối lập pháp số phiếu tín nhiệm thấp không nhiều, chủ yếu số phiếu tín nhiệm thấp rơi vào khối hành pháp và tư pháp vì hoạt động có những “đụng chạm” nhiều đến quốc kế dân sinh và gắn với nhiều loại lợi ích. Khối hành pháp như Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Văn hóa Thể thao và Du lịch đạt nhiều số phiếu tín nhiệm thấp. Khá nhiều vị lãnh đạo không có gì nổi bật thì lại được phiếu tín nhiệm cao. Điều đó chứng tỏ hình thức bỏ phiếu vẫn có gì đó chưa được thực sự công bằng. Thêm nữa, hệ thống bộ máy nhà nước tổ chức phi khoa học ở chỗ vừa “đá bóng vừa thổi còi”. Cần phân loại các chức danh được Quốc hội bổ nhiệm và phê chuẩn: Loại thuần túy chỉ lập pháp; Loại lẫn lộn vừa lập pháp vừa hành pháp và tư pháp... với những tiêu chí đánh giá độ tín nhiệm khác nhau, bởi vì nếu không rạch ròi thì những đại biểu bên hành pháp có nhiệm vụ thường “đụng chạm” nhiều đến kinh tế xã hội mặc dù không làm sai vẫn có thể bị phiếu thấp, rất không công bằng. Cũng cần phân biệt trách nhiệm quản lý đặc thù giữa ngành và địa phương trong một số lĩnh vực, ví dụ: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... chỉ quản lý (cả kinh phí, cơ sở vật chất và nhân lực,...) ở các đô thị lớn, còn lại do chính quyền địa phương quản lý. Ví như vụ Thẩm mỹ Cát Tường gây sự cố chết người, lại đổ trách nhiệm lên đầu bà Bộ trưởng Bộ Y tế là không hợp lý. Bộ trưởng lo những việc lớn ở tầm vĩ mô, chứ đâu phải những cơ sở ở cấp phường. Đấy là trách nhiệm của phường, quận hay thành phố. Vì vậy, trách nhiệm trong lĩnh vực này không phải và không chỉ của Bộ trưởng mà thuộc lãnh đạo các cơ sở, các cơ quan chức năng và người trực tiếp phụ trách ở các cơ sở. Hay các ngành sản xuất vật chất khác như Xây dựng, Năng lượng, Công nghiệp,... đòi hỏi tổ chức triển khai, quản lý rất phức tạp, luôn bị coi nhẹ và ít quyền phê phán hơn các ngành quản lý Đầu Tư, Tài chính, Ngân hàng, Công an... Và như thế, quy chế lấy phiếu tín nhiệm chưa hoàn chỉnh và chưa công bằng cho các lĩnh vực.
Và điều nhiều cử tri, nếu không nói là hầu hết cử tri đều mong muốn không nên có 3 loại phiếu Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp. Như thế, toàn là Tín nhiệm trong khi có nhiều người không đủ tín nhiệm. Để rạch ròi và minh bạch, chỉ nên có 2 loại phiếu là: Tín nhiệm và Không tín nhiệm. Người có nhiều phiếu tín nhiệm là Tín nhiệm cao. Còn phiếu trắng thì để riêng, có thể công khai danh sách của người không bỏ phiếu (để biết số người còn phân vân, chưa đủ thông tin, chưa đánh giá được). Như vậy, rõ ràng, rành mạch, biết ai được tín nhiệm nhiều, ai tín nhiệm ít. Ai trên 50% số phiếu không tín nhiệm thì tự cân nhắc nên từ chức hay không, còn trên 70% thì bắt buộc phải từ chức.
Cũng theo ông Tô Văn Trường, quy chế lấy phiếu tín nhiệm hiện nay của Quốc hội, còn mang nặng cảm tính và có sự chỉ đạo của lãnh đạo nên người bỏ phiếu có thể không thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ, luật không quy định trách nhiệm của người bỏ phiếu, do đó kết quả rất thiếu khách quan và ít tác dụng. Vì vậy, trước hết cần phải đầu tư xây dựng một cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm bao quát được những tiêu chí đánh giá từng ngành, từng lĩnh vực kèm theo danh mục những người chịu trách nhiệm liên quan (không chỉ Bộ trưởng mà còn lãnh đạo địa phương - nếu cần). Về lý thuyết, trước khi các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm phải tìm hiểu chức năng nhiệm vụ của những người đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn, xem xét việc nắm chắc công việc như thế nào, hành động ra sao, đối chiếu với lời hứa trước Quốc hội của người được bỏ phiếu,...
Cho dù việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn mang tính dân chủ hạn chế nhưng đó vẫn là một bước đi tiến bộ hướng tới công khai và minh bạch. Nhưng để việc bỏ phiếu có căn cứ, thiết nghĩ cần một bảng liệt kê kết quả hoạt động (là sản phẩm lãnh đạo) của đại biểu đó cùng hệ thống quản lý lĩnh vực ở địa phương để mọi người dễ theo dõi, đối chiếu và không dựa vào cảm tính. Mặt khác, làm thế nào để phản ánh được ý kiến của cử tri đối với các đại biểu do mình bầu lên, tránh tình trạng các đại biểu “khen” nhau là chính hoặc “chê” nhau không khách quan. Các chính trị gia, còn phải là những người biết nói năng lưu loát, hạn chế đọc các bài viết sẵn, năng động, biết thuyết phục, biết đấu tranh có tình có lý, biết nhận ra sai lầm (vì làm việc không ai tránh được khiếm khuyết) và biết kịp thời sửa sai.
Điều quyết định là, các đại biểu Quốc hội phải thực sự công tâm, khách quan, biết và dám đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; phải là người có liêm sỉ trước nhất thì mới có thể chọn được kẻ sĩ. Còn nếu chỉ “ào ào” bấm nút hoặc “mặc kệ” cho qua... thì thủ tục quan trọng do luật định này sẽ có tác dụng ngược, đến mức người được bỏ phiếu tín nhiệm vừa được “ca tụng” lại vừa trong bụng coi thường, thì thật đáng buồn...