Hà Nội

Bố phải trực qua Tết

27-01-2016 23:36 | Y tế
google news

SKĐS - Bồi hồi nhớ lại lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ, với biết bao cảm xúc rạo rực, phấn chấn mỗi khi Tết đến xuân về.

Bồi hồi nhớ lại lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ, với biết bao cảm xúc rạo rực, phấn chấn mỗi khi Tết đến xuân về. Cụ thể lắm, sẽ phải chuẩn bị gì với mỗi cá nhân, mỗi gia đình hòa trong không khí rộn ràng náo nức chung của làng xóm - Tết này sẽ ăn gì, mặc gì và vui chơi ra sao. Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ, bánh chưng xanh, giò lụa, mứt kẹo... chè gói “Ba Đình” là những thứ chỉ dành riêng cho những ngày Tết, người lớn rộn ràng chuẩn bị khăn nhung quần lĩnh, trẻ em hớn hở với những bộ áo quần mới để ba ngày xuân đi khoe xóm giềng. Cả một vùng quê rộn ràng, tiếng gọi nhau í ới, tiếng lợn kêu eng éc, tát ao bắt cá, xay bột, rửa lá, gói bánh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, quét vôi trắng, treo cờ, chuẩn bị dụng cụ cho những trò chơi dân gian như:  bịt mắt đập niêu, đi cầu khỉ, đấu vật, kéo co... hay chuẩn bị cho đêm biểu diễn văn nghệ với những tiết mục tự biên tự diễn, cây nhà lá vườn.

Trực Tết luôn luôn là những xúc cảm đặc biệt trong đời người thầy thuốc.

Giờ đây năm cũ đã sắp đi qua, những ngày đầu của một năm mới đã cận kề. Những bộ quần áo mới, những trò chơi dân gian hay những món ăn trước đây được coi là đặc trưng của ngày Tết đã không còn hấp dẫn với lớp trẻ ngày nay đặc biệt là các cháu được sinh ra và lớn lên nơi phố thị. Được nghỉ Tết bao nhiêu ngày và đi du xuân ở đâu đang là mối quan tâm của rất nhiều gia đình, nhiều trẻ em và không ít những người lớn tuổi. Biết rằng gia đình mình cũng đang lập kế hoạch du xuân cho những ngày đầu năm mới, nhưng vì công việc bận không thể tham gia mà chưa biết mở lời chia sẻ thế nào thì may quá cô con gái nhỏ của tôi hỏi bố: Bố ơi kỳ nghỉ Tết năm nay bố có phải trực bệnh viện không? Có chứ con, tất cả những ngày nghỉ lễ, Tết trong năm, bệnh viện vẫn phải thay nhau làm việc 24/24 giờ. Năm nay bố trực nội trú ngày cuối cùng của năm cũ và trực ngoại trú ngày mùng hai Tết. Trực nội trú và trực ngoại trú là như thế nào hả bố? Trực nội trú nghĩa là phải có mặt,  làm việc chữa bệnh và cấp cứu tại bệnh viện suốt cả ngày và đêm hôm đó, còn trực ngoại trú là được nghỉ tại nhà nhưng phải sẵn sàng có mặt tại bệnh viện bất cứ lúc nào khi có yêu cầu để hỗ trợ chuyên môn cho kíp trực ngày hôm đó. Cô con gái nhỏ nét mặt thoáng buồn và nói nhỏ: vậy là kỳ nghỉ Tết năm nay nhà mình lại không đi chơi xa được rồi. Ngừng một lát con gái lại hỏi: Con thấy làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp có thể phải đi ca đêm nhưng chỉ làm việc 8 giờ, vậy trực bệnh viện ban đêm có được ngủ không bố? Ban đêm, những lúc không phải trực tiếp với người bệnh là lúc phải hoàn thiện hồ sơ bệnh án, ghi chép diễn biến bệnh của người bệnh cũ và người bệnh mới để sáng mai bàn giao lại cho kíp trực mới, cũng có đôi khi nằm ngả lưng nhưng không thể nào ngủ được vì trong đầu lúc nào cũng phải sẵn sàng túc trực đối phó với những tình huống, những diễn biến rất khó lường của các ca bệnh con ạ. Vậy sáng mùng ba Tết bố có thể về sớm hơn một chút để cùng với các con kịp đi chuyến xe 7 giờ về quê thăm ông bà được không bố? Bố con mình phải đi chuyến xe sau thôi con ạ, làm việc tại bệnh viện là phải đến trước giờ để nhận bàn giao và chỉ được rời vị trí muộn hơn so với giờ quy định sau khi kíp làm việc mới đã sẵn sàng, hơn nữa bố còn phải làm các thao tác vệ sinh để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh nữa chứ. Cô con gái nhỏ của tôi có vẻ như đã hiểu thêm được phần nào đã đưa ra nhận xét: Nghề y thật đúng là nghề đặc biệt... đối tác là những người đang có vấn đề về sức khỏe, khả năng tài chính thâm hụt, sự khó chịu luôn hiện hữu trên gương mặt, đối tượng là những mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cao đặc biệt với những người đang muốn kiểm soát nó. Đành vậy, năm nay nhà mình sẽ về quê đón Tết khi mọi người đã bắt đầu đi làm và rất có thể sang năm mình lại đi làm khi mọi người bắt đầu đoàn tụ về quê đón Tết.


BS. Vũ Đức Bàng
Ý kiến của bạn