Bổ nhiệm 60 cán bộ vào “phút chót”: Bộ Nội vụ phải vào cuộc!

07-03-2014 09:40 | Thời sự
google news

“Thanh tra Bộ Nội vụ tìm lại hồ sơ sẽ thấy ngay bổ nhiệm 60 cán bộ ở Thanh tra Chính phủ đúng hay sai. Nếu sai, người về hưu rồi vẫn bị xử lý, người còn làm việc phải bị miễn nhiệm chức vụ”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói.

“Thanh tra Bộ Nội vụ tìm lại hồ sơ sẽ thấy ngay bổ nhiệm 60 cán bộ ở Thanh tra Chính phủ đúng hay sai. Nếu sai, người về hưu rồi vẫn bị xử lý, người còn làm việc phải bị miễn nhiệm chức vụ”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ và tương đương vào “phút chót”, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội (nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ) cho biết, đó không phải là trường hợp cá biệt.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội (Ảnh: VNN)
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội (Ảnh: VNN)

Nhiều năm làm Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, khi nghe thông tin nguyên Tổng thanh tra Chính phủ từ tháng 3 đến tháng 8/2011, bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương có khiến ông băn khoăn gì không?

Nếu căn cứ vào thời gian như vậy cũng không khẳng định được có sai phạm hay không. Vì nếu người ta làm đủ mọi quy trình, thủ tục rồi đến thời điểm đó mới ký thì sao.

Nhưng để bổ nhiệm cán bộ phải trải qua cả quá trình quy hoạch, đào tạo cán bộ nguồn rất cẩn trọng, thưa ông?

Thực ra, việc đào tạo, tạo nguồn cán bộ rồi đưa vào diện quy hoạch thì năm nào cũng làm. Tuy nhiên, tại thời điểm bổ nhiệm anh có đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngành, của pháp luật đề ra hay không mới là cái quan trọng.

Vấn đề dư luận còn băn khoăn là ông Truyền bổ nhiệm gần 60 cán bộ lúc sắp về hưu?

Trước kia tôi còn làm công tác trong ngành thanh tra đã thấy dư luận lào xào việc này, thậm chí có người nói vui rằng Thanh tra Chính phủ phải mấy khóa nữa không có chỗ bổ nhiệm cán bộ. Dù sao đó cũng chỉ là đồn đoán, cái quan trọng nhất xung quanh việc bổ nhiệm đó là phải xem có sai phạm, tiêu cực, tham nhũng hay không.

Để làm được điều đó anh phải soi quy trình, thủ tục và điều kiện bổ nhiệm cán bộ có đúng hay không. Theo Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm và bổ nhiệm lại thì tất cả mọi đối tượng đều có quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn riêng. Vậy khi anh soi cái đó vào cụ thể một cán bộ thì sẽ biết quy trình có đúng hay không, có đáp ứng được điều kiện pháp luật đặt ra hay không.

Căn biệt thự khủng của ông Truyền (Ảnh: Minh Giang)
Căn biệt thự của ông Truyền khiến dư luận lùm xùm thời gian qua (Ảnh: Minh Giang)

Vậy đơn vị nào phải vào cuộc để “soi” quy trình bổ nhiệm cán bộ của ông Truyền?

Để làm rõ quy trình bổ nhiệm cán bộ đúng hay sai thì Thanh tra Bộ Nội vụ phải vào cuộc. Nếu hồ sơ bổ nhiệm được lưu đầy đủ thì thanh tra sẽ biết được ngay trường hợp bổ nhiệm thiếu quy trình, thủ tục, điều kiện gì để từ đó đưa ra kết luận sai phạm hay không sai phạm. Tuy nhiên, cũng có cái khó ở đây nếu như thời điểm người được bổ nhiệm thiếu bằng này, cấp kia (nợ tiêu chuẩn) nhưng qua thời gian người ta đã kịp bổ sung đầy đủ rồi thì sao.

Trường hợp nếu Thanh tra Bộ Nội vụ vào cuộc phát hiện quy trình bổ nhiệm đó có nhiều sai phạm thì xử lý thế nào?

Đây là câu hỏi khó! Vì thực ra việc đó xảy ra lâu rồi, còn người chịu trách nhiệm chính thì đã nghỉ hưu. Đương nhiên về mặt đảng thì vẫn có thể kỷ luật với những sai phạm đó nhưng về mặt chính quyền thì người ta còn gì nữa đâu. Thế nhưng cũng không thể nói Đảng ủy và Ban cán sự ở đó đều vô can trong việc này. Bởi theo quy trình thủ tục thì tất cả mọi trường hợp bổ nhiệm cán bộ cấp vụ đều phải thông qua Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ.

Cụ thể đối với những cá nhân được bổ nhiệm sai đó có bị miễn nhiệm hay không?

Nếu phát hiện bổ nhiệm sai quy trình cơ quan thanh tra sẽ kiến nghị miễn nhiệm trường hợp ấy. Tức là các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn được bổ nhiệm vào vị trí vụ trưởng này, vụ phó kia thì phải miễn nhiệm đi. Tôi đã nói cũng có trường hợp rất khó xử lý như lúc bổ nhiệm người ta chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bằng cấp nhưng sau khi bổ nhiệm người ta lại vội vàng đi học nên bây giờ soi vào lại đủ rồi.

Vậy hầu hết các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ có số lượng phó vụ trưởng, phó cục trưởng vượt quá quy định thì sao?

Cái đó không chỉ riêng Thanh tra Chính phủ mà nhiều Bộ, ngành khác cũng vượt. Thế nhưng cũng phải tùy từng ngành và điều kiện thực tế chứ không phải đơn vị nào cũng được đưa lên quá nhiều.

Xin cảm ơn ông!


Ý kiến của bạn