Bốn mươi chín năm tuổi đời nhưng đã có tới hai mươi bảy năm gắn bó với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, chị Phạm Thị Dinh (sinh năm 1967) sinh sống tại xóm Kìa, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc vẫn luôn được bà con nơi đây gọi với cái tên trìu mến “Cô Dinh Y tế”. Chị không phải là người dưới xuôi đầu tiên đi lên đây công tác, nhưng lại là người đầu tiên chọn mảnh đất này để sinh sống và cống hiến trọn đời. Chị chia sẻ: “Làm y tế ở vùng cao không chỉ là đuổi bệnh ra khỏi cơ thể, mà còn là đuổi “con ma” ra khỏi đầu người dân. Bà con tin vào thầy cúng hơn thầy thuốc...”.
Nhìn vào chặng đường công tác của chị Dinh nhiều người không khỏi nể phục bởi sự quyết tâm, bền bỉ và hơn hết là sự hi sinh, tận tụy với nghề. Sinh ra trong một gia đình có tới 9 anh chị em, chị là kết quả của tình yêu giữa chàng trai người Nam Định lên khai phá vùng lòng hồ sông Đà với cô gái Mường ở Suối Nánh, Đà Bắc. “Bén duyên” với ngành y bắt đầu từ ngày 01/01/1989 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành y sĩ đa khoa tại Trường Trung cấp Y Hòa Bình, chị Dinh được Sở Nội vụ tỉnh kí quyết định cho về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc. Từ ngày ấy, như con ngựa không biết chùn chân, chị Phạm Thị Dinh vượt đi trên mọi con dốc, con đèo, qua bao nhiêu cánh rừng để đem đến niềm vui cho người dân miền núi. 22 tuổi, cô gái đến với nghề bằng sự đam mê ấy lần đầu tiên được đi trải nghiệm bằng chuyến đi lên các xã vùng cao để khám tuyển nghĩa vụ quân sự cùng với cán bộ huyện đội. Con đường mòn 80km heo hút, quanh co băng qua nhiều đồi núi đã in dấu chân của những người cán bộ trẻ, mà với riêng chị Dinh cho đến tận bây giờ đã đi qua nó đến nghìn lần, thuộc từng khúc cua, bờ vực.
Chị Dinh khám bệnh cho người dân.
Công tác tại Trung tâm Y tế huyện vẻn vẹn 3 tháng thì chị được điều động lên Phòng khám đa khoa khu vực bến Hạt, xã Yên Hòa, cách trung tâm huyện 60km đường rừng. Ngày chuyển đi, đồng nghiệp trêu vui: “Em lên đấy làm dâu người Tày luôn nhé. Mà cứ đi hết đất, khi nào gặp nước thì dừng lại, đấy chính là cơ quan mới của em”. Cứ ngỡ nói đùa mà hóa ra sự thật, con đường dốc cheo leo, lổm nhổm những đá với một bên là núi, một bên là vực, hoặc nếu đi đường sông cũng vài tiếng đồng hồ mới đến nơi. Gọi là phòng khám nhưng thực chất là ở nhờ nhà của lâm trường, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn, không tủ thuốc, giường bệnh, “đồ nghề” là panh, kéo, xi-lanh..., cho đến cuộc sống thường ngày thiếu thốn đủ đường, không điện, không đường, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán xa lạ...
Với mức trợ cấp cho cán bộ y tế thời đó là 80.000/tháng, lại ở xa nhà nên ngoài giờ làm việc chị cùng đồng nghiệp đi lên nương, rẫy đào sắn, bẻ ngô cùng bà con để cải thiện cuộc sống. Tuy đã dần hòa nhập nhưng chị thấy đồng bào Tày, Mường, Dao ở Yên Hòa khi ấy còn rất lạc hậu, mê tín dị đoan, có bệnh thì việc đầu tiên nghĩ đến là cúng ma đuổi bệnh, chỉ đến khi bệnh rất nặng mới đem đến phòng khám gây khó khăn cho công tác cứu chữa. Chị nhớ mãi có một đêm đang nằm ngủ thì có tiếng đập cửa dồn dập của người nhà bệnh nhân gọi đi đến tận nơi để cấp cứu. Đêm hôm băng đi đường rừng, dốc đá, đến nơi thì thấy bệnh nhân nằm thở phì phù, toàn thân sưng húp, người nhà ra sức đi bẻ cành dâu về lẩm nhẩm như đọc “thần chú” rồi quét lên người bệnh mà vẫn không đỡ. Thấy thế, chị nhanh chóng khám, bắt bệnh và chữa trị. Từ ngày ấy, bà con dần dần tin tưởng và tìm đến chị mỗi khi có bệnh.
Chị Dinh đã có gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng cao.
Dần quen với đơn vị mới chưa được lâu thì đến tháng 10/1989, chị được điều động lên Phòng khám đa khoa khu vực bến Kế (thuộc xã Mường Chiềng), phải đi thêm 3 tiếng đồng hồ ngồi lênh đênh trên thuyền mới tới nơi. Thời ấy, ở miền núi tràn lan dịch bệnh sởi, sốt rét, ho gà... mà điều kiện phòng chống, khám chữa còn khó khăn, cán bộ phải trực tiếp đi đến từng xã để phòng trừ dịch. Địa bàn rừng núi, chị cùng đồng nghiệp đi bộ 3 ngày đêm qua đường rừng đến từng xã, bản để khám và cấp thuốc cho người dân. Nhìn những cái màn đem ngâm vào chậu thuốc mà nước đen ngòm khiến cả đoàn phải đi giặt lại cho sạch rồi mới đem tẩm thuốc. Sau đợt ấy, chị nghĩ, bên cạnh khám chữa bệnh thì việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân cách chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cũng là điều quan trọng. Nhiều lần chị đến tận nhà dân để thuyết phục, tuyên truyền về lợi ích của việc điều trị chữa bệnh một cách khoa học, kịp thời.
Như một sự thử thách với tuổi trẻ, một lần nữa chị Phạm Thị Dinh lại mỉm cười trước quyết định luân chuyển công tác về Phòng khám đa khoa khu vực bến Hạt (Yên Hòa) vào tháng 7/1991. Chị cười bảo: “Tuổi Dê phải trèo đèo lội suối là đúng rồi”. Như vậy, mới công tác hơn 2 năm mà chị đi luân chuyển công tác đến 3 lần, hình ảnh cô y sĩ trẻ mặc áo blouse trắng ngược xuôi trên dòng sông Đà, rồi lại thoăn thoắt trên những con đường của núi rừng Tây Bắc để chăm lo sức khỏe cho bà con dân tộc vùng cao đã trở nên quen thuộc và in đậm trong lòng người dân nơi đây. Và rồi như duyên phận, người con gái Mường đã trở thành con dâu người Tày như lời nói trêu vui của đồng nghiệp năm ấy. Sự tâm huyết, tận tụy của chị với ngành y nhanh chóng lan tỏa như một bông hoa tươi thắm của núi rừng. Không chỉ bà con xã Yên Hòa yêu mến, tin tưởng mà còn rất nhiều người từ nơi khác lặn lội đến tìm chị để chữa bệnh. Điều đó tạo động lực cho chị tiếp tục cống hiến sức trẻ và tình yêu với công việc. Năm 1994, có một bệnh nhân từ xã Tân Dân (nay thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình) được cõng bộ 3km từ trên núi xuống đến bến sông rồi bắt thuyền sang bến Hạt trong trạng thái nguy kịch, đầu bết máu với một vết chém từ trán đến mang tai, những thanh niên đi cùng lúc đó thấy người bệnh “giãy đành đạch”, sùi bọt mép rồi lịm đi thì ù té chạy, trong khi ở phòng khám lúc đó chỉ có chị Dinh và một nữ kĩ thuật viên. Hai người phụ nữ trẻ bàng hoàng giây lát nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh xử trí vết thương rồi bắt thuyền cho bệnh nhân đi bệnh viện tuyến trên. Đấy cũng chỉ là một trường hợp khẩn cấp trong hàng nghìn ca bệnh gặp phải ở vùng cao mà nếu không “cứng” chuyên môn và nhanh trí thì nguy cơ đáng tiếc xảy ra là rất cao. Sau đợt ấy, từ một người phụ nữ nhỏ bé, mong manh như hạt sương núi, chị Phạm Thị Dinh trở nên cứng rắn, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Được đồng nghiệp tín nhiệm, nhân dân tin yêu, chị được bầu giữ chức vụ Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Bến Hạt vào tháng 5/1997. Với cương vị đó, nhiều lần chị Dinh bày tỏ mong muốn cấp trên cho xây dựng, nâng cấp phòng khám để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Sau 5 năm kiên trì đề xuất, ý nguyện của chị và đồng nghiệp cũng được Quân khu 3 đền đáp cho xây dựng Trạm Quân dân Y kết hợp xã Yên Hòa, đặt tại trung tâm xã. Ở một xã tỉ lệ hộ nghèo rất cao như Yên Hòa ngày đó, nhiều bệnh nhân đến trạm y tế không có tiền để trả thuốc men, thậm chí có một số trường hợp phải nằm lại điều trị mà hoàn cảnh lại khó khăn, chị Dinh không ngần ngại khám chữa miễn phí, nấu cơm ở nhà mang đến cho người bệnh.
Mặt khác, với vai trò, trách nhiệm của trạm trưởng và lòng nhiệt huyết, chị luôn cố gắng làm sao để phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế cấp xã, đảm bảo tốt công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; công tác chăm lo sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ; tuyên truyền, phổ biến giúp nâng cao nhận thức của nhân dân về sức khỏe... Với những nỗ lực đó, Trạm Y tế xã Yên Hòa luôn hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.
Đến với ngành y, những bữa cơm bỏ dở hay những đêm lỡ giấc để đến với người bệnh đã không còn xa lạ, có lẽ bởi thế mà với chị Dinh, hạnh phúc gia đình không được viên mãn rồi dẫn đến rạn nứt, chị một nách nuôi hai con nhỏ khôn lớn và trưởng thành. Với người phụ nữ này, niềm say mê với ngành y lớn hơn hết thảy, bởi thế mà cả hai người con gái của chị đều hướng cho theo nghiệp mẹ. Con gái lớn vừa mới tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Thái Bình hiện chưa xin được việc làm, con gái út đang theo học năm hai Trường Đại học Dược Hà Nội.
Năm 2012, theo quyết định điều động, một lần nữa chị Dinh chuyển xuống công tác tại Bệnh viện đa khoa Đà Bắc và phụ trách Phó khoa Nội lây. Mặc dù phải thuê người trông nhà cửa nhưng chị không nề hà, quản ngại. Ngày chuyển công tác, bà con nhân dân trong xã ngậm ngùi, cứ hễ gặp cán bộ cấp trên là tỏ ý muốn xin cho chị về công tác tại xã nhà. Sự yêu mến đó đền đáp cho những cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho bà con nhân dân tại các xã vùng cao của huyện Đà Bắc.
Nếu như vẽ con đường công tác của chị Dinh thành một đồ thị thì có lẽ nó sẽ nhấp nhô, khúc khuỷu như những ngọn núi đồi trùng điệp của miền Tây Bắc. Đó là bởi năm lần bảy lượt chuyển công tác đến đơn vị mới, là những bước chân đi trên mọi nẻo đường, vượt mọi con đèo, con suối để đến với người bệnh. Hơn 1 năm (2013) làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện, chị được chuyển lên làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Mường Chiềng và rồi 2 năm sau đó (tháng 7/2015), chị lại tiếp tục về phụ trách Phó khoa Nội lây tại Bệnh viện đa khoa Đà Bắc cho đến bây giờ. Chị Dinh chia sẻ: “Tôi tuổi Dê mà, đi nhiều hơn cả ngựa, 27 năm vui buồn với nghề có tới 6 lần chuyển công tác từ đơn vị này đến đơn vị kia, nhưng tôi vẫn rất yêu công việc này. Giờ đây, đôi chân không còn nhanh khỏe như trước nên tôi cũng mong muốn được về gần nhà công tác, tiếp tục sự nghiệp cao cả của mình ở địa phương, chứ “bỏ nhà” đi cũng đã lâu rồi”.
Cuối mỗi tuần, dù nắng mưa hay giá rét người ta vẫn thấy hình ảnh một người y sĩ băng băng trên con đường 50km từ huyện về nhà, để rồi ngày hôm sau lại lóc cóc đi xuống. Nhà vẫn thuê người trông, con đường cũng chẳng ngắn lại, nhưng điều đó không làm ngăn cản tâm huyết của một người hết lòng với nghề như chị Phạm Thị Dinh. Hi sinh cả một đời là thế nhưng đến giờ, khi đang hoàn thiện hồ sơ lí lịch công tác chị lại không được công nhận thời gian làm việc của 10 năm đầu (từ 1989 đến 1999) do không được “ghi chép” lại. Đó là một sự thiệt thòi đáng tiếc cho những cống hiến của chị - một sự cống hiến thầm lặng.