Với ông Bảy, bà Hoa, chuyện Công Phượng từ cậu bé nhà quê trở thành ngôi sao sáng nhất của U.19 Việt Nam giống như một giấc mơ. Đó là câu chuyện mà cách đây hơn 7 năm, dù có tự tin với tài năng của con đến đâu, cả hai vợ chồng nghèo này cũng không bao giờ nghĩ tới.
- Bà Hoa tiết lộ lý do Công Phượng bị loại khỏi “lò” Sông Lam.
Công Phượng bất ngờ làm rạng danh cả gia đình nên ông Bảy, bà Hoa trong tâm niệm luôn hướng về quá khứ, dành sự biết ơn đặc biệt với những người đã góp công sức, giúp Phượng có đuợc như ngày hôm nay.
Thầy Vinh, người có công phát hiện và uốn nắn Phượng được gia đình coi như ân nhân đặc biệt nhất. Không cần nhắc, Công Phượng cũng hiểu điều đó và liên tục gọi điện, hỏi thăm sức khoẻ thầy. Lần nào về thăm quê, Phượng cũng ghé bằng được nhà thầy Vinh, khi thì tặng một món quà nhỏ, khi chỉ là lời hỏi thăm, tri ân.
- Trên nền căn nhà cũ, nhờ một ít đóng góp của Phượng, gia đình đã xây căn nhà mới.
Còn với ông Bảy, bà Hoa, dù bận rộn với công việc nhà nông nhưng hàng năm, cứ đến ngày Thể thao Việt Nam (27/3) hay Tết Nguyên Đán, ông bà đều chuẩn bị quà đến chúc mừng và nói lời tri ân thầy.
Tất nhiên, thầy Vinh chỉ là điển hình, trong danh sách mà bố mẹ Công Phượng nguyện tri ân còn nhiều nữa. Đó có thể chỉ là người đồng hương đã cho cha con Phượng tá túc trong những ngày thi tuyển ở Gia Lai, hay thậm chí là người hàng xóm đã cho gia đình vay 500 ngàn để cha con Phượng có tiền bắt xe vào Gia Lai…
Kể cả giai đoạn ăn tập ở “lò” Sông Lam, dù sau đó không được trúng tuyển nhưng ông Bảy, bà Hoa vẫn tri ân thầy Vinh và những người khác đã tạo mọi điều kiện để Công Phượng được có cơ hội thử việc.
“Thực ra tui muốn thằng Phượng nó trúng tuyển “lò” Sông Lam. Đó là ước mơ của nó, chúng tôi cũng có nhiều điều kiện hơn để quan tâm, chăm sóc. Nhưng biết làm sao được, em nó không đạt yêu cầu, người ta không tuyển thì đành phải chấp nhận thôi”, bà Hòa cho biết.
- Bà Hoa quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nuôi ước mơ cho Phượng.
Cũng theo ông Bảy, bà Hoa, sau khi tham gia giải thiếu niên và nhi đồng toàn tỉnh Nghệ An và ghi dấu ấn, Công Phượng đã xuống “lò” Sông Lam để thử việc. Một tháng ăn tập ở đội bóng xứ Nghệ, Công Phượng ghi dấu ấn đặc biệt.
“Tui thì không xuống Vinh nhưng nghe mấy người đưa con đi thi về bảo, thằng Phượng nhà ông nó chơi tốt lắm. Bài thi nào cũng về nhất, các thầy ai cũng ưng. Ông chuẩn bị tinh thần để thằng Phượng xuống Vinh đi nhé”, ông Bảy nói.
Khi ấy, Công Phượng nổi bật về chuyên môn thật nhưng cái gì cũng phải có nguyên tắc và những người làm bóng đá xứ Nghệ không thể đi ngược với điều đó. “Khi xuống đó thử việc, nó chỉ được 25,4 kg. Một tháng thử việc xong, nó cũng chỉ 25,4 kg. Nói ra điều này tui cũng thấy xấu hổ vì nuôi con như vậy nhưng đó là sự thật.
Sau này tìm hiểu mới biết, lứa ấy, SLNA chỉ lấy cầu thủ từ 30 kg trở lên. Riêng trường hợp có năng khiếu như Phượng, ít ra cũng phải đạt 27 kg. Một tháng mà không thấy tăng trọng nên SLNA loại, tui cũng nghĩ người ta làm như vậy là hợp lý, vì cái gì cũng phải có nguyên tắc…”, bà Hoa tiết lộ về nguyên nhân Công Phượng bị loại.
Khi vào Gia Lai để thi tuyển, người ta cũng lắc đầu với thể hình, thể trạng của Công Phượng dù ai cũng nể tài chơi bóng của cầu thủ Nghệ An này. Chỉ khi huấn luyện viên người Tây bảo Phượng dẫn đến gặp cha, thấy ông Bảy to cao, họ mới nhận vì tin tưởng rằng, Phượng sau này sẽ phát triển được như bố.
- Bà Hoa với niềm vui căn nhà mới sắp hoàn thành.
Dù không được “lò” Sông Lam nhận vào nhưng bà Hoa, ông Bảy vẫn ghi nhớ giai đoạn đó của Công Phượng. “Với trẻ con, thất bại cũng là một bài học. Công Phượng đã không nản, ngược lại còn xác định phải cố gắng hơn để nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ. Thấy con ý chí như vậy, chúng tôi đã làm tất cả những gì để nó toại nguyện. Cũng không ai ngờ đâu, nó vào Gia Lai và trúng tuyển”, ông Bảy cho biết.
Cho đến sau này, khi nhắc lại chuyện Công Phượng bị loại chỉ vì thiếu 1,6 kg cân nặng, nhiều người vẫn cho rằng đó là may mắn của Công Phượng. Bởi nhờ đó mà cậu bé quê nghèo Đô Lương (Nghệ An) mới có cơ hội đến với lò HAGL Arsenal JMG với những phương pháp huấn luyện tiên tiến nhất để phát huy tối đa tố chất khéo léo của Phượng.
Tri ân quá khứ, vợ chồng ông Bảy, bà Hoa luôn tìm đến những ân nhân để nói lời cảm ơn. Đó cũng là bài học ông bà muốn gửi tới Công Phượng để ngôi sao U.19 Việt Nam này không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng.
Theo Zing