Hà Nội

Bố, mẹ của Tổng thống Nga V.V. Putin

21-01-2017 09:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một trong những sự kiện văn hóa đáng ghi nhận của năm 2016 là việc xuất bản cuốn sách “Gia tộc Tổng thống Nga V.V. Putin” (1) của tác giả Aleksandr Putin ở Việt Nam.

Một trong những sự kiện văn hóa đáng ghi nhận của năm 2016 là việc xuất bản cuốn sách “Gia tộc Tổng thống Nga V.V. Putin” (1) của tác giả Aleksandr Putin ở Việt Nam. Cuốn sách thuật lại lịch sử gia tộc Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin, bắt đầu từ ông tổ nổi tiếng đầu tiên của thế hệ thứ 12 ra đời trong khoảng những năm 1610-1630, đến đời các cụ, ông, bố, mẹ và những năm Putin học phổ thông. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Chương 8 của cuốn sách viết về bố, mẹ của Tổng thống V.V. Putin.

Ông Vladimir Spirionovich, bố của Tổng thống V.V. Putin, sinh năm 1911 ở Saint-Petersburg. 6 năm đầu tiên của tuổi ấu thơ, Vladimir sống ở Thủ đô. Sau cuộc Cách mạng năm 1917, cậu bé cùng với bố mẹ chuyển về làng Pominovo, xã Turginovo, tỉnh Tver.

Năm sau, Vladimir đến trường. Đời sống kinh tế sau cách mạng rất khó khăn, những người nông dân cùng với gia đình sống nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thời thanh niên, Volodia (tên thân mật của Vladimir) chơi thân với Vasia Tesiolkin. Họ ở gần nhau và có tính cách giống nhau.Putin thời niên thiếu.

Putin thời niên thiếu.

Nhiều tuổi hơn một chút, họ chơi thân với các cô gái ở làng Zarechie, nằm cách làng họ 3 cây số. Volodia gặp cô bạn cùng tuổi Masha Shelemova, Vasia gặp Niura Rybkina. Masha xuất thân trong một gia đình trung lưu, tổ tiên của cô sống ở đây từ lâu đời. Những mối quan tâm chung đã gắn kết  họ với nhau. Tình cảm giữa các cặp nam nữ cứ thế phát triển, các cô gái bắt đầu tin tưởng Volodia và Vasia. Họ không còn ngại ngùng đến làng các chàng trai chơi và gặp mặt nhau trong các nhóm bạn bè. Đã đến lúc bàn về việc hôn nhân. Bố mẹ rất quan tâm tới tình cảm của các con. Thời cuộc bất an và tao loạn, bắt đầu giai đoạn công hữu hóa kinh tế và tập thể hóa nông thôn. Vladimir và Maria thành lập gia đình vào cuối những năm 1920. Hôn lễ được tổ chức lặng lẽ và giản dị.

Đôi vợ chồng trẻ ban đầu sống cùng bố mẹ. Những thay đổi diễn ra trong đời sống kinh tế, việc lao động tập thể trên các cánh đồng, sự đánh mất các mối quan tâm kinh tế đối với kết quả công việc và triển vọng phúc lợi ở nông thôn đã thúc đẩy mọi người bỏ ra thành phố. Bố của Vladimir, ông Spiridon Ivanovich không thể đưa con trai và con dâu về sống với mình. Nhờ sự giúp đỡ của I.I. Shelomov, anh trai Maria, chẳng bao lâu gia đình trẻ lên đường tới Leningrad. Sự giáo dục truyền thống trong các gia đình nông dân đã biến họ thành những con người cần cù lao động và trung thực. Họ không sợ công việc chân tay đơn giản. Vladimir và Maria ban đầu dọn đến ở Phontanka. Trong điều kiện sinh hoạt khó khăn, họ chỉ cho phép mình sinh hai con, một trai, một gái, không phải ngay lập tức, mà chỉ vào nửa sau những năm 1930. Gia đình gồm 4 người, trước cuộc Chiến tranh vệ quốc, họ chuyển sang căn hộ tập thể nằm bên bờ kênh Obvodnyi.

Bố và mẹ của Putin.

Bố và mẹ của Putin.

Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức năm 1941-1945 đã chất lên vai gia đình những thách thức nặng nề và cay đắng. Năm 1941, ông Vlaimir Spiridonovich tình nguyện ra mặt trận. Bà vợ ở lại hậu phương cùng với hai con nhỏ. Lúc bấy giờ không ai có thể dự đoán rằng cuộc chiến sẽ kéo dài 4 năm. Nhiều người cho rằng nó sẽ kết thúc tương đối nhanh. Maria Ivanovna cùng nhiều người ở lại Leningrad, không ngờ thành phố bị bọn xâm lược bao vây  và phong tỏa hơn 2 năm. Giống như tất cả các cư dân Leningrad, bà không thể hình dung hết tất cả những nỗi khủng khiếp của bom đạn phát xít trút xuống những ngôi nhà dân, nạn đói và cái chết diễn ra hàng ngày bên cạnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, những người dân Leningrad không muốn nhớ lại vì nó quá khủng khiếp. Cho đến nay, những người đã sống và trải qua thời kỳ phong tỏa được gọi là “những người bị phong tỏa”. Đó là cộng đồng những người dân Leningrad đoàn kết nhất trí, những con người lưu giữ ký ức về lòng dũng cảm của những người lính Xô viết và những người dân thành phố, cũng như về sự dã man của bọn phát xít. Cuộc phong tỏa kéo dài 871 ngày và kết thúc vào tháng 1/1944.

Nhiều trẻ em đã chết vào năm 1942 - năm gian khổ nhất của cuộc phong tỏa. Chúng được chôn tập thể. Trong điều kiện đó, những người dân chết vì đói khát, bệnh tật và bị giết nhiều đến mức họ bị chôn không có quan tài trong những ngôi mộ tập thể. Người ta đào hố làm mộ chôn chung. Thi thể những người chết chất đống mấy ngày liền, số lượng xác chết do một bác sĩ cứu thương xác định, tùy thuộc vào mùa. Sau đó, người ta vùi lấp hố và đào hố tiếp theo. Vì vậy, số lượng người được chôn trong mỗi hố cũng như số lượng người chết trong giai đoạn do bác sĩ cứu thương xác định, không giống nhau. Đây là một trong những trang bi thảm nhất trong cuộc xâm lược Liên Xô của bọn phát xít, là tấn thảm kịch nặng nề nhất của gia đình những người bị phong tỏa, trong đó có bố mẹ của Tổng thống V.V. Putin.

Những người lính đã chiến đấu quên mình nơi cửa ngõ thành phố và trong những điều kiện thiếu vũ khí, đạn dược, thức ăn, trong bụi bặm, bẩn thỉu và máu; họ tận mắt nhìn thấy đồng đội hy sinh và những cuộc phẫu thuật không có thuốc gây mê. Họ đã dũng cảm chịu đựng những ngày rút lui và thất bại nặng nề. Chiến thắng vẫn chưa đến, còn cách xa họ, trong khi cái chết luôn luôn rình rập bên cạnh. Vladimir Spiridonovich nhiều lần bị thương, may mắn thoát chết trong các trận đánh; từ quân y viện ông trở về nhà, mình đầy thương tích. Lúc này, chiến tranh lại giáng một đòn chí mạng mới. Maria chỉ còn lại một mình, hai người con của họ không còn nữa.

Cuộc Chiến tranh vệ quốc 1941-1945 trở thành một thảm kịch nặng nề đối với cả gia tộc Putin. Bảy người đàn ông ra trận, trong đó hai người bác của V.V. Putin hy sinh ngoài mặt trận, bố là thương binh, anh trai, chị gái và một người thân nữa qua đời trong thời kỳ phong tỏa. 19 phụ nữ, trẻ em vị thành niên và cụ già làm việc ở hậu phương. Tất cả các gia đình trong gia tộc đều chịu những tổn thất vật chất và tinh thần vô cùng to lớn. Ba người trong gia tộc Putin tham chiến và đón mừng chiến thắng ở Đức, Áo và Iran.

Dù sao cũng cần phải tiếp tục sống. Sau cuộc phong tỏa, bắt đầu một cuộc sống bữa no bữa đói trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Người dân thành phố dần dần thu dọn những căn nhà cũ và nhà máy đổ nát, quét dọn đường phố, phục hồi các dịch vụ công cộng, đưa Leningrad vào nền nếp. Đồng thời với việc phục hồi thành phố, công việc chế tạo vũ khí cho tiền tuyến không ngừng được mở rộng, cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Cuối chiến tranh, những người tản cư bắt đầu trở về, các gia đình lại đoàn tụ, bố mẹ tìm thấy con cái của mình, thành phố chuyển sang thời bình. Các nhà máy bắt đầu làm việc hết công suất, đời sống kinh tế của thành phố được phục hồi, việc ăn uống được cải thiện.

Vladimir Spiridonovich và Maria Ivanovna không dễ dàng khi nhìn những gia đình có trẻ con. Đối với họ, hồi ức về hai đứa con đã mất trở thành nỗi đau không chịu nổi. Năm 1951, cả hai đã 40 tuổi. Không còn trẻ nữa. Nhưng cũng chưa già lắm. Cuộc sống vẫn tiếp tục, trong đó không có gì cao quý hơn cơ hội sinh con đẻ cái. Họ mong muốn bằng mọi cách kéo dài cuộc sống gia đình và quyết định sinh con. Đó là quyết định của người phụ nữ dũng cảm. Cơ thể người phụ nữ đã trải qua đói khát trong cuộc phong tỏa rất yếu ớt, nguy cơ sinh con khuyết tật rất cao. Maria Ivanovna sinh Tổng thống tương lai vào ngày 9/10/1952, đặt tên là Vladimir.

Ông Vladimir Spiridonovich làm việc tại nhà máy đóng toa tàu hỏa nổi tiếng mang tên I. E. Egorov, nơi sản xuất toa tàu hỏa và tàu điện ngầm. Ông làm quản đốc của phân xưởng sản xuất. Ông còn được các đồng nghiệp bầu làm Bí thư Chi bộ phân xưởng. Vào những năm đó, đây là một chức vụ chính trị - xã hội quan trọng. Nó chứng tỏ Vladimir Spiridonovich được các đồng nghiệp và  ban lãnh đạo của nhà máy tôn trọng.

Maria Ivanovna suốt đời làm những công việc đơn giản, nhưng bao giờ cũng cần thiết đối với mọi người: bảo vệ, lao công, bán bánh mỳ, y tá trong vườn trẻ, dọn vệ sinh trong phòng thí nghiệm. Bà được đánh giá là một phụ nữ cần cù, khiêm tốn, điềm đạm và kiệm lời. Thời thanh niên, bà không có điều kiện học nghề. Bà theo đạo chính thống của tổ tiên, suốt đời gắn bó với gia đình và ngôi nhà, sinh con đẻ cái và duy trì nòi giống.

Trong những năm 50, gia đình Vladimir Spiridonovich sống trong căn hộ tập thể một buồng ở ngõ Baskov. Phần lớn người dân Liên Xô cũ đều sống trong điều kiện chật chội như vậy. Nhưng dù sao họ vẫn sống hòa thuận. Họ vẫn có điều kiện đón tiếp gia đình em trai Aleksanđr trong căn phòng nhỏ của mình, khi ông đến Leningrad. Gia đình ba người cộng thêm bốn người thành bảy người tá túc trong một căn phòng. Sau này, gia đình ông dọn đến một căn hộ ở đại lộ Sredneokhtin.

Hai vợ chồng sống một cuộc đời trường thọ. Maria Ivanovna qua đời năm 1977 ở tuổi 86. Vladimir Spiridonovich qua đời năm 1999 ở tuổi 88. Họ được an táng ở Leningrad.

(1): Nhà xuất bản Công an nhân dân; bản dịch của Mai Quang Huy, Trần Đình Hậu, Nguyễn Huy Hoàng.


(Trần Hậu giới thiệu)
Ý kiến của bạn