Có thể nói việc đề nghị bỏ hủ tục đốt vàng mã là bước đi mang tính đột phá, có ý nghĩa xã hội tích cực, sâu sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi vì, hiện nay đốt vàng mã chủ yếu thực hiện tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo và từ các phật tử, tín đồ nhà Phật khi cúng gia tiên. Các tôn giáo khác hầu như không có hoặc nhưng rất ít thực hiện nghi lễ đốt vàng mã.
Việc bỏ đốt vàng mã sẽ mang lại rất nhiều lợi ích tích cực cho xã hội, cụ thể:
Thứ nhất, việc đốt vàng mã gây ra lãng phí rất lớn tiền bạc, nguồn lực của xã hội. Cứ đến mùa lễ hội, ngày lễ trọng là người dân đổ xô đi mua sắm vàng mã để đốt. Từ phong tục đốt vàng mã cúng tổ tiên đơn giản ngày xưa đã biến tướng thành cuộc “chạy đua” phô trương, lãng phí. Nhiều gia đình khó khăn nhưng cũng không ngại bỏ ra vài trăm đến cả triệu đồng để mua vàng mã cúng gia tiên. Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng với hàng trăm ngàn tấn vàng mã được sản xuất thì mỗi năm cả nước tốn cả ngàn tỷ đồng cho việc… đốt vàng mã!
Thứ hai, đốt vàng mã là nguy cơ gây ra các vụ cháy nổ rất cao. Thực tế có rất nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản là do người dân đốt vàng mã ở khu dân cư, cơ sở thờ tự. Do đó, hạn chế việc đốt vàng mã cũng là biện pháp quan trọng để phòng ngừa cháy nổ, nhất là trong dịp tết, lễ hội.
Bên cạnh đó, việc đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là các khu vực gần nơi thờ tự. Nhiều nơi khói bụi mù mịt khi người dân đốt vàng mã, sau đó lại mang tro hóa vàng ra sông, suối, ao, hồ, để vứt, rải bừa bãi, khiến cho mặt nước, môi trường ô nhiễm. Từ bỏ hủ tục này, đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường làm cho môi trường sống ngày trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.
Thiết nghĩ, việc khuyến khích không đốt vàng mã, thậm chí là cấm đốt vàng mã ở một số địa điểm, lễ hội là rất cần thiết, cấp bách. Điều này góp phần bảo vệ môi trường, phòng ngừa cháy nổ và tiết kiệm được một khoản tiền lớn bị lãng phí do đốt vàng mã.