Hà Nội

Bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

06-08-2013 10:24 | Xã hội
google news

Có học thì có thi và thi cũng là hình thức kiểm tra, đánh giá việc dạy và học vốn là chuyện bình thường xưa nay.

Có học thì có thi và thi cũng là hình thức kiểm tra, đánh giá việc dạy và học vốn là chuyện bình thường xưa nay. Thế nhưng việc có những ý kiến quanh chuyện bỏ hay giữ kỳ thi THPT hiện nay lại không hẳn vì lý do phiền toái, tốn kém mà bắt đầu từ giá trị thật từ kết quả kỳ thi, nghĩa là kết quả thi không thực chất, không thể đánh giá việc học và dạy trong các nhà trường. Ngay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khi chỉ đạo các địa phương khống chế tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước cũng có nghĩa là lãnh đạo Bộ đã nhận ra chất lượng không thật trong các kỳ thi khi bình quân số học sinh thi đỗ của cả nước năm học này vẫn là 97,52%. Thật ra, không riêng trong thi cử, giáo dục phổ thông hàng năm cũng có những kết quả khiến phụ huynh vừa mừng vừa lo khi từng lớp học thường toàn học sinh giỏi và khá, loại trung bình có chăng cũng không đáng kể. Đào tạo trong hệ ĐH-CĐ cũng khiến dư luận nghi ngờ về giá trị thật khi đã vào được ĐH hoặc có suất nghiên cứu sinh là chắc chắn tốt nghiệp và bảo vệ luận án thành công. Thực tế chuyện “bằng thật trình độ giả” đã làm nhức nhối xã hội bấy lâu nay.
Bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông? 1
 Thí sinh hồ hởi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Đức Anh

Muốn đi tìm một chất lượng thật qua các kỳ thi hình như đã thất bại và luồng ý kiến “bỏ” đã có lý khi thi không thực chất, chỉ là hình thức sẽ gây tốn kém, phức tạp không cần thiết thì thi làm gì, nhất là hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH-CĐ quá gần nhau. Bằng những dẫn chứng từ một “kỳ thi nghiêm túc” với kết quả thảm hại, có trường đạt 0% và sau đó vụt trở lại như những năm gần đây quả là kết quả ảo là một minh chứng cho thực chất kỳ thi. Trong khi chưa biết bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì việc “hãm trần” kết quả thi như một giải pháp tình thế. Nhưng sao chỉ quan tâm tới tốt nghiệp THPT mà không chú ý đến những kỳ thi tốt nghiệp đại học hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ khi chất lượng thật giả những đối tượng này trực tiếp có ảnh hưởng tới xã hội qua công việc hàng ngày trong đời sống. Và rồi nếu cứ thi không thực chất, kết quả giả thì “bỏ” rồi sẽ ra sao? Liệu thi tốt nghiệp ĐH-CĐ và bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ có thể bỏ được không?

Ý kiến “giữ” lại lo nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì học sinh sẽ chỉ học môn chính , bỏ môn phụ và giáo viên chán dạy! Ý kiến này đúng với thực tế lúc này khi việc học là hình thức, đối phó chứ không phải là để tự nguyện muốn trang bị hiểu biết, kiến thức phổ thông một cách toàn diện. Thế nhưng khi bệnh đối phó, bệnh thành tích đang hoành hành trong giáo dục hiện nay thì thi liệu có giải quyết được vấn đề thực chất? Thực tế thi tốt nghiệp THPT chưa bỏ nhưng sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi thì không ít trường chỉ tập trung vào môn sẽ thi, môn không thi hầu như bỏ lửng.

Dư luận đang quan tâm không phải là việc bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà là chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông vẫn hơn là chất lượng đào tạo trong hệ thống trường ĐH-CĐ. Vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng tăng cường giám sát thi cử cùng với việc ra đề thi sát với yêu cầu của chương trình mới là chuyện cần thiết lúc này. Chúng ta chắc chắn ai cũng mong kết quả kỳ thi sau tốt hơn kỳ thi năm trước khi việc coi thi chặt chẽ như nhau. Đó là thắng lợi của giáo dục cũng là hy vọng cho tương lai nước nhà. Thi cũng là một cách điều tra kết quả việc dạy và học nhưng kết quả thi trước hết cần phải trung thực và quan trọng hơn là những biện  pháp nâng cao chất lượng dạy và học từ kết quả “điều tra”, “đánh giá” qua kỳ thi. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không sao nếu như suốt 12 năm phổ thông, con cháu chúng ta được học thực chất và có đánh giá thực chất qua từng năm học. Khi “thực chất” tồn tại trong quá trình dạy và học thì việc xét tốt nghiệp THPT sẽ thuộc về ban giám hiệu từng trường, đơn giản và đỡ tốn kém hơn nhiều.

Mong muốn trên không thể thực hiện ngay trong ngày một ngày hai mà là cả quá trình với chính sách giáo dục đúng đắn, thực tiễn có hiệu quả. Trong lúc chờ, thi tốt nghiệp THPT là cần thiết song mỗi kỳ thi phải diễn ra tự nhiên, bình thường với kết quả trung thực bằng cách giám sát nghiêm túc, đánh giá bài thi chính xác mới là kỳ thi có thực chất nhất. Và có lẽ không chỉ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, những kỳ thi tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ cũng cần phải nghiêm túc và thực chất...

Chất lượng giáo dục và đào tạo mới là mong muốn của toàn xã hội.            

   Lưu Thủy

 


Ý kiến của bạn