Theo Bộ GTVT, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX ảnh hưởng lớn đến xã hội và trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, ATGT, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng luôn tiềm ẩn có thể xảy ra tiêu cực.
Bộ GTVT cho hay, những năm gần đây, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX được Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo bằng việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định; xây dựng, ban hành các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.
Cục Đường bộ VN, các Sở GTVT cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe bổ sung, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT.
"Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành lái xe cũng được Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt. Chất lượng dịch vụ đào tạo lái xe cũng được nâng cao nhờ quy định gắn thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Ngời dân cũng thuận tiện hơn khi dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong cấp đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được triển khai", Bộ GTVT cho biết.
Để tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hơn chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX và thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện trên địa bàn địa phương triển khai các biện pháp cụ thể nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.
Đối với Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.
"Cục Đường bộ VN tăng cường thanh, kiểm tra tại các Sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành Công an, y tế và các Bộ, ngành trong quản lý, giám sát đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX", Bộ GTVT chỉ đạo.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 140 trung tâm sát hạch lái xe ô tô nhà nước, gồm 51 Trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F); 90 Trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C).
Ngoài ra, cả nước có khoảng hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe ô tô theo mô hình xã hội hóa.