Bộ GTVT vừa có Công điện số 27/CĐ-BGTVT gửi các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam; các Sở GTVT; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, số 2 và áp thấp nhiệt đới, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to đến rất to, gây ngập sâu cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giao thông, đời sống của nhân dân.
Trước tình hình mưa bão có diễn biến phức tạp trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ, Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt tiến hành rà soát, khắc phục các điểm gây cản trở đến việc thoát lũ, gây ngập cho các khu dân cư, làm ách tắc giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, các tuyến đường cao tốc, tuyến đường sắt.
Cục Đường sắt và Tổng công ty Đường sắt tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...
Cục Hàng hải và Cục Đường thủy nội địa khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới xảy ra, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại vùng neo đậu, các cửa sông, cửa biển, vùng nước quanh các đảo hoặc đang hành trình trong khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn hoặc hướng dẫn di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cục Hàng hải chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam yêu cầu thông tin duyên hải thường xuyên theo dõi, cập nhật, xử lý thông tin, thông báo kịp thời vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để các phương tiện đang hoạt động trên biển biết và chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Cục Đường thủy nội địa triển khai phương án thường trực chống va trôi các cầu trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; đôn đốc các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy nội địa kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về hoặc khi nhận được thông báo xả lũ.
Cục Hàng không chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin liên lạc, công tác điều hành, chỉ huy bay để kịp thời phát hiện, xử lý khắc phục các sự cố; chỉ đạo các hãng hàng không điều chỉnh lịch bay, tuyến bay và ga đến cho phù hợp nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn hoạt động bay khi có thời tiết xấu do thiên tai gây ra.
Các Sở GTVT phối hợp với các ngành, các cấp, Khu Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc… để tham gia khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra.
Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương được giao quản lý, tổ chức hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các khu vực giao thông bị ngập nước, các bến đò để đảm bảo an toàn, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách, hàng hóa ngay khi lũ rút.
Rà soát xác định các vị trí hư hỏng nặng mà việc sửa chữa đảm bảo giao thông không giải quyết được triệt để; đề xuất giải pháp, quy mô và kinh phí khắc phục, gửi cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.
Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải.
Xem thêm video được quan tâm:
Người dân dọn dẹp nhà cửa sau lũ tại Hà Nội.