Theo đó, Bộ GTVT ủng hộ Bình Định thí điểm taxi bay, tuy nhiên cần có đề xuất cụ thể vì hiện Việt Nam chưa có các quy định trong việc quản lý, khai thác với hoạt động kinh doanh, thực hiện vận chuyển bằng loại hình taxi bay. Việc nghiên cứu triển khai đưa vào khai thác taxi bay, cũng như các loại hình phương tiện giao thông khác, cần có lộ trình bảo đảm an toàn, bền vững.
Cụ thể, cần đánh giá, làm rõ những vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai đưa vào khai thác như: thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước; chủ thể vận chuyển, điều kiện kinh doanh; thẩm quyền cấp phép bay; nhà sản xuất, chủng loại taxi bay; các quy định an toàn, tiêu chuẩn thiết kế, sản xuất, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm; quy trình cấp, công nhận các loại chứng chỉ liên quan; điều kiện hạ tầng khai thác; công nghệ vận hành, trạm sạc...
Những vấn đề trên, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá triển khai cần có ý kiến của các cơ quan, các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...
Bộ GTVT ủng hộ các địa phương nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng nghiên cứu để có thể triển khai những loại hình phương tiện giao thông phù hợp, an toàn và bảo đảm trật tự an ninh xã hội, trong đó có taxi bay, để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và kết nối các điểm đến, từng bước hình thành phương thức giao thông tiên tiến, hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh, tạo điểm nhấn, phát triển hoạt động du lịch tại địa phương.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng hiện tỉnh Bình Định chưa có chưa có đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, kế hoạch thực hiện để có thể triển khai. Do vậy, Bộ GTVT chưa đủ cở sở để xem xét, tham gia ý kiến.
Cũng theo Bộ GTVT, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Phòng không nhân dân, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Khái niệm "tàu bay không người lái" tại luật này được Quốc hội thảo luận theo hướng quy định đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với những thiết bị bay không người lái trong tương lai như taxi bay, mô tô bay. Đây sẽ là tiền đề hình thành cơ sở pháp lý trong việc quản lý và khai thác taxi bay.
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu và bám sát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Phòng không nhân dân để bổ sung, cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến việc xây dựng đề án và báo cáo xin chủ trương theo đúng thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan.
Theo Bộ GTVT, trên thế giới hiện có một số nước triển khai taxi bay là hình thức sử dụng các loại máy bay nhỏ, có hoặc không có người lái, chạy bằng điện, cất hạ cánh thẳng đứng (e-VTOL) để chở khách hoặc hàng hóa.
Tuy nhiên các quốc gia mới chỉ nghiên cứu và thử nghiệm taxi bay trong phạm vi nhỏ chứ chưa triển khai hoạt động chính thức.
Tháng 10/2024, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ đã ban hành các quy định đầu tiên về các loại máy bay tự động, hoạt động bằng động cơ điện, có thể cất cánh thẳng đứng để dự kiến khai thác vào năm 2028. Còn Trung Quốc xây dựng lộ trình để đưa e-VTOL vào khai thác từ năm 2025 và khai thác quy mô lớn vào năm 2035. Tại Thái Lan, dự kiến sẽ thử nghiệm e-VTOL để bay thương mại tại các đảo du lịch vào năm 2025.
Bộ GTVT cho biết Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và hầu hết các quốc gia chưa có các quy định, tài liệu hướng dẫn tiêu chuẩn khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn… để làm cơ sở cho e-VTOL hoạt động.
Tại Hội nghị không lưu lần thứ 14 tại Canada vào tháng 9/2024, ICAO đã thảo luận và đánh giá trong giai đoạn đầu phát triển, e-VTOL có nhiều loại công nghệ, nhiều loại hình khai thác nên khó đưa ra quy định thống nhất chung. Do vậy ICAO khuyến khích các quốc gia trao đổi thông tin về các quy định đối với e-VTOL nhằm đảm bảo khai thác an toàn trên phạm vi toàn cầu.
Trước đó, vào ngày 28/10/2024 UBND tỉnh Bình Định có công văn đề nghị Bộ xem xét và kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương để UBND tỉnh xây dựng đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Xem thêm video được quan tâm:
Khám phá bên trong Trung tâm điều hành giao thông thành phố Hà Nội.