Hà Nội

Bộ GTVT kết luận nguyên nhân sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

10-08-2023 08:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Liên quan đến sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chủ đầu tư dự án cùng các đơn vị liên quan phải trình đề xuất giải pháp kèm báo cáo gửi Bộ GTVT trước 20/8.

Lý giải nguyên nhân sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu GiâyLý giải nguyên nhân sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

SKĐS - Chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã có báo cáo chính thức gửi Bộ GTVT lý giải nguyên nhân sự cố ngập xảy ra trên cao tốc này vào cuối tháng 7 vừa qua.

Sau khi nhận được báo cáo của chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long về sự cố ngập tại Km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra vào 29/7, Bộ GTVT cũng đã có thông tin chính thức về vụ việc trên.

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư và kết quả kiểm tra thực tế rà soát, đánh giá của các chuyên gia cho thấy quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Bộ GTVT kết luận nguyên nhân sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 2.

Kết quả kiểm tra, đánh giá cho thấy nguyên nhân ngập úng cao tốc Phan Thiết - Dầu giây có liên quan đến dòng chảy của sông Phan nằm sát tuyến đường.

Về khẩu độ cống vị trí ngập, đơn vị tư vấn thiết kế đã thực hiện điều tra khảo sát mực nước lũ lịch sử cao nhất vào năm 1992 tại vị trí cống là 43,14 m và tính toán khẩu độ cống.

Kết quả rà soát lại lưu vực và các thông số đầu vào cho thấy, vị trí cống Km25+419 được thiết kế với khẩu độ (2,5 x 2,5 m) đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía thượng lưu. Tại thời điểm xảy ra ngập, mặc dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán, nhưng cao độ đã lên đến 45,23 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử, là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, làm rõ.

Về nguyên nhân ngập, Bộ GTVT cho rằng đoạn tuyến nằm sát sông Phan, phía thượng lưu có đập Sông Phan cách vị trí ngập 8,6 km. Các đập nói chung sau khi đưa vào vận hành, dòng chảy phía hạ lưu thường có biến đổi.

Sau khi kiểm tra, các chuyên gia đánh giá từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan lòng sông, suối có hệ thực vật xâm lấn, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, gây dềnh ứ nước cục bộ dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, gây ngập đường.

Về trách nhiệm, các chuyên gia thống nhất đánh giá đây là tuyến mới, khu vực tuyến đi qua tại thời điểm khảo sát dân cư thưa thớt, việc điều tra số liệu thủy văn khó khăn, tư vấn chưa lường hết được việc thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ.

Video ghi lại cảnh cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập cục bộ khiến nhiều phương tiện chết máy, giao thông toàn tuyến bị ảnh hưởng vào ngày 29/7.

Trước mắt, các chuyên gia đề xuất cần tổ chức thanh thải chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước dềnh tại vị trí cống.

Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ cùng với các bên liên quan tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, tính toán làm cơ sở đề xuất phương án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và sẽ có đề xuất giải pháp phù hợp kèm báo cáo trước 20/8.

Trước đó, khoảng 4h30 ngày 29/7, tại Km25+419 (cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) đã xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ trong phạm vi 100m, điểm ngập sâu nhất khoảng 70cm (tính từ mặt đường) ảnh hưởng đến xe cộ lưu thông trên tuyến.

Xem thêm video được quan tâm:

Dự Báo Thời Tiết 10 - 12/8: Chưa Có Dấu Hiệu Tạnh Ráo, Miền Bắc Tiếp Tục Mưa Lớn Đến Hết Tuần | SKĐS


Thành Long
Ý kiến của bạn