Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện khắc phục, sửa chữa ngay các vị trí hư hỏng, các vị trí có nguy cơ mất an toàn (về kết cấu thép vị trí đỡ tấm đan, các tấm đan bê tông cốt thép, mặt đường bê tông nhựa...) nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người, phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên.
Doanh nghiệp này cũng cần rà soát tổng thể các hạng mục dự kiến cần đầu tư, sửa chữa, khôi phục (trong đó xác định rõ tổng mức đầu tư, lộ trình đầu tư và nguồn vốn thực hiện) báo cáo Bộ GTVT để được xem xét quyết định.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị quản lý bảo trì cầu Long Biên trong việc thực hiện nghiêm quy trình bảo trì cầu Long Biên đối với công tác kiểm tra, phát hiện hư hỏng công trình để có biện pháp xử lý kịp thời; Chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng công trình cầu Long Biên.
Đối với tình hình ANTT đe dọa mất an toàn, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt VN làm việc với chính quyền địa phương thực hiện rào chắn các lối đi xuống bãi giữa sông Hồng để cấm xe máy đi trên phần đường bộ hành; Cắm biển cấm xe máy đi trên phần đường bộ hành; Phối hợp với cảnh sát giao thông để ngăn ngừa các xe ba bánh chở hàng nặng đi qua cầu.
“Trên cơ sở báo cáo rà soát tổng thể các hạng mục dự kiến cần sửa chữa cầu Long Biên của Tổng công ty Đường sắt VN, giao Vụ Kế hoạch đầu tư rà soát, cân đối, kiến nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn đầu tư để thực hiện đầu tư, cải tạo cầu Long Biên”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT, CATP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt VN trong công tác ngăn ngừa các xe ba bánh chở hàng nặng đi qua cầu, tụ tập buôn bán trên cầu... và việc chấp hành các quy định pháp luật của người dân khi tham gia giao thông trên cầu Long Biên nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho người tham gia giao thông.
Trước đó, vào lúc 10h30 ngày 28/5, tại vị trí dầm D1/10 phần đường dành cho xe máy và xe đạp phía thượng lưu hướng quận Hoàn Kiếm đi quận Long Biên, một tấm đan bị hư hỏng rơi xuống. Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý, bảo trì cầu cho biết, nguyên nhân do kết cấu thép đỡ tấm đan lâu ngày sử dụng bị han rỉ, mất liên kết, kết hợp mưa nhiều ngày trước đó nên chưa kịp thời phát hiện ra; Đồng thời nhiều xe ba gác chở hàng nặng vẫn lưu thông trên cầu ảnh hưởng đến kết cấu thép này.
Trước đó, ngày 4/5, phần đường dành cho người đi bộ cũng bị gãy, rơi một tấm đan xuống sông. Cả hai vụ việc đều được nhân viên tuần cầu phát hiện kịp thời, báo đơn vị lắp đặt tín hiệu cảnh báo, bố trí nhân viên chốt gác, đồng thời huy động nhân lực, thiết bị, vật tư tiến hành sửa chữa, gia cố và lắp đặt tấm đan thay thế ngay.
Xem thêm video đang được quan tâm
Giải Mã Nụ Cười Tươi Rói Của Siêu Vượt Ngục Triệu Quân Sự Sau Mỗi Lần Bị Bắt