Bộ GT&ĐT nêu quan điểm trước việc nhiều trường đại học 'than khó' khi học phí năm học 2023-2024 không tăng

05-08-2023 18:08 | Thời sự

SKĐS - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc không tăng học phí giúp người dân giảm được gánh nặng trong việc trả học phí cho con em mình. Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định 81, phối hợp xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 diễn ra chiều 5/8, trước câu hỏi của báo chí liên quan đến kết luận của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải điều chỉnh Nghị định 81 về học phí theo hướng không tăng học phí năm 2023-2024. Nhiều trường đại học, đặc biệt là các đại học thực hiện tự chủ đang 'than khó'. Quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào trước vấn đề này?

Liên quan đến học phí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời điểm hiện nay, việc không tăng học phí giúp người dân giảm được gánh nặng trong việc trả học phí cho con em mình. Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định 81, phối hợp xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Bộ GT&ĐT nêu quan điểm trước việc nhiều trường đại học 'than khó' khi học phí năm học 2023-2024 không tăng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Tuấn Anh.

"Tuy nhiên cũng phải nói đây là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nhìn tổng thể thì tài chính giáo dục nói chung, tài chính đại học nói riêng thì chính sách học phí không phải là chính sách duy nhất, nhưng với giáo dục đại học, học phí chiếm từ 80 đến 90%. Nhìn xa hơn, vấn đề học phí Bộ GD&ĐT cũng như toàn xã hội mong muốn nguồn lực cho giáo dục không tăng thì cũng phải giữ ổn định, ở đây vai trò của Nhà nước rất quan trọng.

Ông Sơn cũng cho biết, giáo dục đại học là dịch vụ đặc biệt, có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế lâu dài của đất nước. Giáo dục đại học cũng là đối tượng chịu tác động rất lớn trong 3 năm qua từ tác động của đại dịch, của biến động trên thế giới, trong nước.

Giáo dục đại học canh tranh toàn cầu chứ không phải như giáo dục phổ thông. Trong cơ chế tài chính cho giáo dục đại học thì về cơ bản có 3 chân kiềng gồm: Tài chính, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng phân tích thêm, Nghị định 60 liên quan đến cơ chế về tài chính cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập và Nghị định 81 về học phí như "2 bánh xe cho các trường đại học chạy". Nghị định 60 quy định lộ trình tính giá dịch vụ trong đó có học phí và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước, việc này đã được thực hiện từ năm 2021. Nghị định 81 ban hành năm 2021 nhưng đến nay chưa thực hiện được theo lộ trình.

Ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Trong việc này Bộ GD&ĐT sẽ nỗ lực, đề nghị các bộ ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp với bộ GD&ĐT, đề nghị Chính phủ chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ và giảm chi ngân sách nhà nước theo Nghị định 60. Cùng với đó, với các trường không tăng học phí thì làm sao có chính sách để hỗ trợ các trường nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên, tương tự việc Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp".

Trước thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, phụ huynh và sinh viên nói gì?Trước thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, phụ huynh và sinh viên nói gì?

SKĐS - 1 tháng nữa sẽ tới ngày khai giảng năm học mới. Thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít sinh viên, phụ huynh phấn khởi vì được giảm nhẹ gánh nặng sau thời gian lo lắng học phí năm tới tăng cao.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bàng Hoàng Phát Hiện 19 Em Học Sinh Tự Sản Xuất Pháo Nổ, Thu Giữ 9kg Thành Phẩm Ở Nghệ An | SKĐS


Lê Bảo - Tuấn Anh
Ý kiến của bạn