Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đối với trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các trường mầm non, trường phổ thông.
Cùng với đó là tăng cường quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ của các cơ sở giáo dục. Chú trọng quán triệt ý thức trách nhiệm, yêu cầu trau dồi phẩm chất, năng lực và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục các cấp.
Còn về Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019. Kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực của học sinh, có độ tin cậy và phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi THPT quốc gia, nâng cao chất lượng công tác tập huấn cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi. Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.