Hà Nội

Bộ GD&ĐT sẽ bỏ 5 vụ, thêm 1 cục

12-01-2025 07:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự thảo nghị định xác định cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT là 19 đơn vị, trước đây là 23 đơn vị.

Chính phủ vừa có dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT sau khi có chủ trương chuyển giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐ-TBXH về Bộ GD&ĐT quản lý.

Theo đó, vị trí và chức năng Bộ GD&ĐT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; quản lý người học; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Bộ GD&ĐT sẽ bỏ 5 vụ, thêm 1 cục- Ảnh 1.

Cơ cấu lại tổ chức của Bộ GD&ĐT, dự kiến bỏ 5 vụ.

Dự thảo nghị định xác định cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT là 19 đơn vị, trước đây là 23 đơn vị. Cụ thể, 5 vụ sẽ không còn tồn tại, gồm: Vụ Giáo dục thể chất, Vụ Giáo dục dân tộc, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Cơ sở vật chất, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ có thêm Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Có 2 đơn vị được đổi tên gồm: Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh - sinh viên đổi thành Vụ Học sinh - Sinh viên; Cục Công nghệ thông tin đổi thành Cục Khoa học công nghệ và thông tin.

Như vậy, 19 đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT dự kiến bao gồm: Vụ Giáo dục Mầm non; Vụ Giáo dục Tiểu học; Vụ Giáo dục Trung học; Vụ Giáo dục Đại học; Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Vụ Học sinh, sinh viên; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức Cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng; Thanh tra; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Cục Quản lý chất lượng; Cục Khoa học Công nghệ và Thông tin; Cục Hợp tác quốc tế; Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; Báo Giáo dục và Thời đại; Tạp chí Giáo dục; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Về quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo, theo dự thảo, Bộ GD&ĐT cũng ban hành điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng quyết định thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, cho phép hoạt động đối với trường cao đẳng và trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc trường cao đẳng, thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục theo thẩm quyền;

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT thực hiện vai trò cơ quan quản lý trực tiếp các đại học quốc gia; trình Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia; trình Thủ tướng ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Học sinh, phụ huynh băn khoăn với những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ GD&ĐT ‘nhắn nhủ’ gì?Học sinh, phụ huynh băn khoăn với những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ GD&ĐT ‘nhắn nhủ’ gì?

SKĐS - Năm 2025, đề thi sẽ theo chương trình GDPT mới của năm 2018 với nhiều thay đổi. Dù đã chuẩn bị tâm lý, tuy nhiên nhiều học sinh và phụ huynh không khỏi băn khoăn, lo lắng.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn