Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ ba đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM. Tổng số có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 09 môn học ở lớp 1, cụ thể như sau: môn Tiếng Việt: 6 bản mẫu; môn Toán: 6 bản mẫu; môn Đạo Đức: 6 bản mẫu; môn Tự nhiên-Xã hội: 5 bản mẫu; môn Giáo dục thể chất: 4 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Âm nhạc): 5 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Mĩ thuật): 5 bản mẫu; Hoạt động trải nghiệm: 6 bản mẫu; môn Tiếng Anh: 6 bản mẫu.
Sau khi tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định đánh giá mức Đạt , Bộ GD&ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lí đối với sách giáo khoa để trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong lần này. Ảnh minh hoạ
Theo Bộ GD&ĐT, 5 bản mẫu sách giáo khoa Tiếng Anh được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt ở vòng 2 nhưng chưa được phê duyệt "do còn những vấn đề pháp lý phải điều chỉnh". Giải thích cho nguyên nhân này, Bộ GD&ĐT cho biết, môn Tiếng Anh cấp 1 là môn tự chọn, nên Bộ GD&ĐT sẽ công bố sau các môn học chính thức..
Kết quả có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức Đạt; có 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức Không đạt.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các Nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Theo quan điểm của những người xây dựng bộ sách giáo khoa mới, sách giáo khoa là tài liệu dạy cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh, định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa.