Trong báo cáo tóm tắt của Hội thảo Sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) gửi Bộ thẩm định bảo đảm kịp thời triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 88 và lộ trình thực hiện tại Nghị quyết số 51.
Kết quả, SGK đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt và sử dụng trong các trường phổ thông; SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định; SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 đang được các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra đánh giá về chất lượng các bản mẫu SGK mới. Theo đó, về ưu điểm, cấu trúc các bản mẫu SGK cơ bản đáp ứng, đồng nhất về cấu trúc, nội dung theo quy định về SGK. Ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng không vi phạm quy định về chủ quyền quốc gia, thân nhân tác giả; không có vấn đề mang tính nhạy cảm về chính trị, ngoại giao, dân tộc, tôn giáo. Nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thể hiện trong các bản mẫu SGK đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học/hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế. Cụ thể, còn một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu SGK còn hạn chế, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…
Về việc thẩm định, phê duyệt SGK, một số hạn chế còn tồn tại như việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội; gây băn khoăn trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng. Việc thẩm định SGK còn cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục SGK còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK.
Về đội ngũ tác giả biên soạn, theo Bộ GD&ĐT, chủ trương xã hội hoá SGK đã huy động được nhiều tổ chức, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn. Các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các môđun triển khai thực hiện chương trình giáo phổ thông 2018.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có tổng số 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp: Lớp 1: 221 tác giả; Lớp 2: 199 tác giả; Lớp 3: 234 tác giả; Lớp 6: 276 tác giả; Lớp 7: 318 tác giả; Lớp 10: 382 tác giả. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn SGK và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết SGK theo quy định tại Thông tư số 33. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ Tiến sĩ trở lên.
Bộ GD&ĐT cho biết, giải pháp mà Bộ GD&ĐT xác định triển khai tiếp theo trong thời gian tới là tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh hoạ của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK. Tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK... Bảo đảm SGK tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.
Trong 2 ngày (28, 29/9), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; so sánh và đánh giá cụ thể sự khác biệt giữa việc biên soạn, thẩm định, xuất bản và phát hành sách giáo khoa trước đây với việc thực hiện theo chủ trương xã hội hóa hiện nay. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp trong những năm tiếp theo.