Bộ GDĐT hiện đang lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT với nhiều quy định siết chặt hơn nữa trong việc chống gian lận thi cử.
“Làm sạch” thi cử
Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT quy định, đề thi sẽ có mục cho thí sinh (TS) ghi họ tên, số báo danh và chữ ký nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ đề thi. TS được phép mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi như bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình. Trong khi quy chế hiện hành, các vật dụng nói trên yêu cầu không được gắn linh kiện điện, điện tử. Theo lí giải của Bộ GDĐT, thay đổi này nhằm tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử.
TS sẽ bị đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi không đúng quy định hoặc vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi (đã hoặc chưa sử dụng).
Ngoài ra, TS nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); Chuyển giấy nháp, bài thi cho TS khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của TS khác; TS cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau do chép bài của nhau cũng bị đình chỉ thi và hủy kết quả cả kỳ thi.
Về xử lý vi phạm trong thi cử, dự thảo theo hướng tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi ; đồng thời cũng quy định rõ chế tài xử lý các hành vi vi phạm Quy chế, chống tiêu cực trong thi cử. Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT T.Ư hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) hoặc Thanh tra giáo dục các cấp là nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi. Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi và phải có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi.
Các bằng chứng về vi phạm Quy chế thi được bảo quản theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi. Người cung cấp thông tin về các vi phạm được bảo mật thông tin và danh tính.
Chấm lại để kiểm tra ít nhất 10% số lượng bài thi
Dự thảo quy định, mỗi Hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại để kiểm tra ít nhất 10% số lượng bài thi do các giám khảo đã chấm xong, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi. Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chấm kiểm tra là thực hiện chấm kiểm tra theo Hướng dẫn chấm của Bộ GDĐT, đảm bảo đủ số lượng quy định; Báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi vào cuối mỗi buổi chấm; Trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi và giám khảo có liên quan theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chấm thi (có ghi biên bản làm việc).
Đối với chấm thẩm định bài thi tự luận, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi các môn tự luận của một số Hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thẩm định có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng về điểm chính thức của bài thi.
Dự thảo Quy chế cũng dành điểm khuyến khích cộng cho các cá nhân và đồng đội đạt giải trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; vẽ; viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính bỏ túi; thi thí nghiệm thực hành bộ môn (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật do Ngành GDĐT phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.
Lâm Mộc