Siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, trường đại học kêu khó
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 yêu cầu các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, điểm chuẩn không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ GD&ĐT công bố. Sau khi dự thảo được công bố, nhiều giáo viên và chuyên gia tuyển sinh cho rằng điều này có thể gây ra nhiều rào cản với các trường.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên bắt buộc áp cứng 20% chỉ tiêu với xét tuyển sớm mà chỉ nên khuyến khích các trường. Các trường đại học bây giờ đã dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng học bạ THPT, bằng điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Bây giờ bắt buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm là 20% thì cực kỳ khó cho các trường".
Thầy Đinh Đức Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT FPT Bắc Giang cho rằng, theo Dự thảo tuyển sinh 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, việc quy định chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các phương thức tuyển sinh sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh của tất cả các trường, bức tranh tuyển sinh bao gồm phương thức tuyển sinh, điểm chuẩn, kết hợp với sự thay đổi về đề thi tốt nghiệp THPT theo xu hướng mới, sẽ rất biến động.
Lý giải từ Bộ GD&ĐT
Trưa 26/11, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học sửa đổi tập trung vào hai điểm quan trọng. Thứ nhất, khắc phục những bất cập khi cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Thứ hai, năm 2025 là năm đầu tiên các học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xét tuyển đại học. Vì vậy, cần đổi mới quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông.
Còn lại những nội dung sửa đổi, bổ sung khác chủ yếu mang tính kỹ thuật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức đăng ký và xét tuyển.
Về vấn đề giới hạn các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% tổng chỉ tiêu, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, tỷ lệ này căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua. Bộ GD&ĐT muốn đưa việc xét tuyển sớm về đúng mục tiêu tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.
"Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói và khẳng định, giảm quy mô xét tuyển sớm không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh.
Cũng theo Vụ trưởng, có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi, tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm? Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập, trong khi Bộ GD&ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn thoàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.
"Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5 - 6 năm trở lại đây) khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Trước ý kiến lo ngại về việc quy định này ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng: "Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chứ hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Từ hai năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung.
Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Luật Giáo dục đại học giao Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh là công cụ quản lý nhà nước để điều chỉnh việc này".