Bộ GD&ĐT hướng dẫn gỡ khó dạy các môn tích hợp

24-10-2023 15:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau nhiều ý kiến của giáo viên về việc gặp khó trong dạy học các môn tích hợp ở bậc THCS, Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn gỡ khó cho các cơ sở giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14. Theo chương trình mới, học sinh THCS sẽ học chương trình tích hợp các môn: Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý; Hóa học, Sinh học, Vật lý thành môn Khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy, việc phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học theo chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục còn khó khăn, vướng mắc.

Để điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS thuận lợi hơn, tốt hơn mà không ảnh hưởng đạt đến mục đích của đổi mới, Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Khoa học tự nhiên: Phân công giáo viên phù hợp với nội dung dạy học

Đối với môn Khoa học tự nhiên: Các nhà trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và bầu trời).

Bộ GD&ĐT hướng dẫn gỡ khó dạy các môn tích hợp - Ảnh 1.

Một tiết sinh hoạt chuyên đề của học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh minh họa

Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Trong trường hợp gặp khó khăn về xếp thời khóa biểu, cần xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình phù hợp với việc phân công giáo viên, đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học. Giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó. Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy học môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá thường xuyên, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ. Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kỳ được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình đến thời điểm kiểm tra. Hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra sao cho thuận tiện trong việc phân công giáo viên chấm bài, tổng hợp kết quả.

Lịch sử và Địa lý: Dạy đồng thời các phân môn

Đối với môn Lịch sử và Địa lý, theo hướng dẫn mới, các nhà trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, phân môn Địa lý và các chủ đề liên môn).

Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Nội dung bài kiểm tra, đánh giá định kì phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp các giáo viên cùng dạy học môn học ở lớp đó để tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.

Hoạt động trải nghiệm: Không bắt buộc chia đều số tiết/tuần

Về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Bộ GD&ĐT yêu cầu, ưu tiên phân công giáo viên phụ trách theo từng chủ đề để thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn và đánh giá học sinh trong quá trình trải nghiệm theo yêu cầu cần đạt của chủ đề đó.

Kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được xây dựng theo từng chủ đề. Ví dụ, đối với chủ đề hướng nghiệp, giáo viên công nghệ sẽ có ưu thế trong việc tổ chức cho học sinh tìm hiểu kiến thức về chương trình và tổ chức cho học sinh báo cáo, thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện.

Thời khóa biểu xây dựng bảo đảm sự linh hoạt (không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần, không bắt buộc thực hiện lần lượt các chủ đề theo trình tự trong sách giáo khoa) sao cho mỗi chủ đề được tổ chức thực hiện trong một khoảng thời gian phù hợp với kế hoạch của giáo viên trong thời gian đó.

Bộ GD&ĐT xem xét việc công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở hai lần mỗi nămBộ GD&ĐT xem xét việc công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở hai lần mỗi năm

SKĐS - Thay vì xét tốt nghiệp mỗi năm một lần, Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Quy chế Xét công nhận tốt nghiệp bậc Trung học cơ sở với điểm mới đáng chú ý là việc xét tốt nghiệp có thể thực hiện hai lần mỗi năm.


ĐV
Ý kiến của bạn