Bộ GD&ĐT điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông, môn Lịch sử thành môn bắt buộc

04-08-2022 06:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ GD&ĐT vừa thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về môn Lịch sử.

Lịch sử thành môn bắt buộc có làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành?Lịch sử thành môn bắt buộc có làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành?

SKĐS - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ chính thức bước vào năm học mới 2022-2023, việc Lịch sử trở thành môn bắt buộc có làm thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành?

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Theo đó, thông tư điều chỉnh một số nội dung trong chương trình tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử bảo đảm yêu cầu "thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh".

Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông, môn Lịch sử thành môn bắt buộc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Môn học Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc. Như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông mới có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Số môn học lựa chọn được điều chỉnh còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc và Mỹ thuật.

Đối với chương trình môn Lịch sử cấp Trung học Phổ thông, đây là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm (theo Thông tư 32/2018).

Việc điều chỉnh theo các nguyên tắc cơ bản sau: Tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình tổng thể và đặc điểm môn học Lịch sử; không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học; bảo đảm dung lượng kiến thức phải phù hợp nhận thức của tất cả các đối tượng học sinh. Bảo đảm tính cơ bản, hệ thống; đồng thời giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp Trung học Phổ thông.

Các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh cấp Trung học Phổ thông. Nguyên tắc tiếp theo là: coi trọng kiến thức Lịch sử dân tộc nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc.

Phần Lịch sử bắt buộc phải bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh; chú ý đến sự hài hòa, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.

Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, việc điều chỉnh chương trình Lịch sử trên vẫn đảm bảo sử dụng được sách giáo khoa lớp 10 đã biên soạn. Giáo viên đã được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết/năm, nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm (trong số 70 tiết/năm). Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà.

Chiều 3/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin về việc Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV về việc điều chỉnh môn Lịch sử

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngay sau khi Nghị quyết 63 được ban hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng chương trình môn Lịch sử theo đúng tinh thần Nghị quyết, trong đó có các phần bắt buộc và tự chọn. Nhằm bảo đảm sự phù hợp, Ban Phát triển chương trình tiến hành nghiên cứu, xây dựng cẩn thận, cụ thể, xin ý kiến các nhà khoa học giáo viên ở 63 tỉnh, thành.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông, Ban phát triển Chương trình môn Lịch sử, Hội đồng thẩm định nội dung điều chỉnh chương trình tổng thể.

Học sinh thiếu hụt kiến thức lịch sử, ai sẽ chịu trách nhiệm?Học sinh thiếu hụt kiến thức lịch sử, ai sẽ chịu trách nhiệm?

SKĐS - Đó là câu hỏi mà dư luận và nhiều chuyên gia đặt ra cho Ban soạn thảo chương trình cũng như Bộ GD&ĐT nếu môn Lịch sử chỉ là một trong những môn tự chọn ở lớp 10 THPT.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn