Hà Nội

Bộ GD&ĐT bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

01-11-2024 20:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ GD&ĐT nêu rõ, không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học. Thông tư này thay thế cho Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2021. Theo đó, Thông tư 13 có một số điểm quy định mới và điều chỉnh so với Thông tư 34.

Cụ thể, không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.

Thông tư mới cũng đưa ra những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học.

Bộ GD&ĐT bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên- Ảnh 1.

Một tiết học chuyên đề môn Địa lý của cô và trò Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội).

Theo yêu cầu của Chính phủ, để bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, Bộ GD&ĐT quy định bổ sung một số tiêu chuẩn, điều kiện như:

Về tiêu chuẩn xếp loại chất lượng trong thời gian công tác: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và tương đương, có 2 năm (đối với mầm non) và 3 năm (đối với phổ thông, dự bị đại học) công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và tương đương, có 5 năm trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Bộ GD&ĐT cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tại Công văn số 64/BNV-CCVC, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng I tối đa không quá 10%, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương tối đa không quá 50%. Do đó, tiêu chuẩn về xếp loại chất lượng tại Thông tư là phù hợp với yêu cầu về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, bảo đảm lựa chọn được những giáo viên xứng đáng, có đóng góp được ghi nhận và có sự nỗ lực phát triển nghề nghiệp trong thời gian giữ hạng.

Về danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng trong tiêu chuẩn, điều kiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đăng ký dự xét hạng I: là các danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng đạt được trong thời gian giữ hạng II.

Theo Bộ GD&ĐT, quy định này để bảo đảm 1 danh hiệu thi đua và thành tích không được sử dụng đồng thời ở hai lần dự thăng hạng từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I; đồng thời, để bảo đảm giáo viên có sự nỗ lực, phấn đấu tiếp tục trong suốt thời gian giữ hạng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12.

Như vậy, theo Thông tư mới này đã quy định chỉ xét thăng hạng giáo viên và bỏ yêu cầu 9 năm giáo viên có bằng đại học. Trước đó, đã có nhiều ý kiến của giáo viên Hà Nội kiến nghị bỏ tổ chức thi thăng hạng giáo viên vì gây khó khăn, tốn kém và quy định 9 năm có bằng đại học gây bất công với nhiều thầy cô có nhiều kinh nghiệm.

Giáo viên mầm non mong được rút ngắn tuổi nghỉ hưuGiáo viên mầm non mong được rút ngắn tuổi nghỉ hưu

SKĐS - “Ngoài dạy dỗ, chăm sóc trẻ thì giáo viên mầm non chúng tôi còn phải biết múa dẻo, hát hay, đảm bảo an toàn cho các con trong suốt thời gian từ 8-10 tiếng ở trường”, cô Minh Hằng - người có gần 25 năm gắn bó với nghề "dỗ trẻ" chia sẻ.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn