Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ năm 2015

29-07-2014 16:48 | Thời sự
google news

Sáng nay 29-7, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia thay Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hiện nay, theo đó đưa ra 3 phương án thi cho kỳ thi tốt nghiệp chung từ năm 2015.

 Sáng nay 29-7, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia thay Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hiện nay, theo đó đưa ra 3 phương án thi cho kỳ thi tốt nghiệp chung từ năm 2015.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết 3 phương án như sau:

Phương án 1: (thi theo môn), các thí sinh thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT , mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Phương án 2: sẽ thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: bài thi Toán; bài thi Ngữ văn; bài thi Ngoại ngữ; bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý);

5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án 3: Bộ GD-ĐT cũng lên kế hoạch thi theo bài. Trong kỳ thi này, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); bài thi Ngoại ngữ. Bốn bài thi được chia làm 2 ngày, các thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh điểm thi của thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp. Như vậy, học sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi quốc gia.

Các trường ĐH, CĐ phải công bố thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia 6 tháng trên website của trường và Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ phải nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học để học sinh biết và đăng ký thi.

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn