Thời gian gần đây, tình trạng đáng lo ngại khi người bệnh, người nhà bệnh nhân có xu hướng bỏ điều trị theo đơn của bác sĩ, tự mày mò các phương pháp chữa bệnh qua internet, hay tự điều trị bằng thuốc Nam chỉ vì nghe theo những lời truyền miệng hoặc tin vào những quảng cáo như “mật ngọt” về cách chữa bệnh của thầy lang trên mạng... để rồi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Đã có không ít trường hợp người bệnh phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng thêm, thậm chí có trường hợp đã gần như không còn cơ hội phục hồi sức khỏe...
Không còn cơ hội chữa trị chỉ vì “không nghe theo” bác sĩ
Mới đây nhất, TS.BS. Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, BV K (Hà Nội) đã chia sẻ thông tin rất xót xa cho trường hợp một bé trai 4 tuổi chữa bệnh bằng thuốc Nam đã mất đi cơ hội vàng điều trị. Khối u từ 8cm nay to nhanh, chiếm hết ổ bụng của bé. BS. Hương cho biết bệnh nhi mắc u nguyên bào thần kinh, lúc đó khối u có kích thước 8cm và đã sang BV Nhi TW để thăm khám, được các bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, chỉ cần tiến hành việc điều trị thì bà nội cháu bé lại quyết định cho cháu về chữa theo các bài thuốc Nam ở quê. Gia đình cho biết, vì nghĩ truyền hóa chất sẽ đau đớn nên gia đình mới đi chữa thuốc Nam.
Người dân cần đi khám ở bệnh viện và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ (ảnh minh họa). Ảnh: TM
Sau 2 tháng, khối u đã to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước. Trẻ suy kiệt, da bọc xương, không thở nổi, tiên lượng tử vong gần. Lúc này người nhà mới vội vàng liên hệ đi chạy chữa tại BV K thì bệnh đã trầm trọng. Các bác sĩ chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, cố gắng cầm cự cho em kéo dài thời gian sống. Chia sẻ của TS. Hương đã nhận được hàng trăm lượt bình luận bày tỏ xót xa cho tình trạng sức khỏe của cháu bé.
Cũng mới đây, Khoa Cấp cứu - BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.M. (42 tuổi, sinh sống tại An Giang), nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa. Được biết, người bệnh từng bị sưng khớp, đi khám và được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc kháng viêm để điều trị. Tuy nhiên, sau một tuần dùng hết thuốc, chị M. đã không quay lại tái khám mà qua tìm hiểu trên mạng và được hàng xóm mách bảo, chị đã tự ý chữa bệnh bằng một loại thuốc có xuất xứ từ Campuchia. Theo chị M., ban đầu mua về sử dụng thấy triệu chứng đau nhức giảm hẳn, nhưng sử dụng thuốc liên tục trong 3 tháng, thì bị nôn ra máu, người nhà phải đưa vào cấp cứu tại BV Đại học Y Dược TP.HCM. Về trường hợp bệnh nhân này, BSCKI. Cao Thanh Ngọc, Phòng khám Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, người bệnh bị hội chứng Cushing do có một thời gian dài sử dụng loại thuốc có chứa corticoid và đã bị lệ thuộc thuốc. Bác sĩ phải vừa điều trị bệnh vừa “cai thuốc” cho người bệnh. Hiện tại, người bệnh đã tạm ổn và yên tâm điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.
Đừng để “tiền mất, tật mang”
Liên quan đến tình trạng đáng lo ngại này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ quan điểm cho rằng, việc người dân tự ý tìm tòi các phương pháp chữa bệnh qua mạng internet, rồi tự ý bỏ đơn điều trị của thầy thuốc, cho thấy ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân vẫn còn nhiều hạn chế bởi việc khám chữa bệnh phải đảm bảo quá trình toàn diện từ thăm hỏi, khám lâm sàng để chẩn đoán và chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Ngoài việc kê đơn còn phải hướng dẫn chi tiết việc dùng thuốc và lưu ý liên quan đến bệnh tật. Tuy nhiên, để làm được điều này cần những nhân viên y tế có trình độ, có kiến thức chuyên môn, do vậy việc tự chữa bệnh qua internet, chữa không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ gây những tác hại lớn tới sức khỏe.
Liên quan đến việc hiện nay có thực tế nhiều “thầy lang” lên mạng internet quảng cáo một số phương pháp gia truyền chữa bách bệnh, trong đó chữa cả bệnh ung thư khiến cho nhiều người tin theo, song “tiền mất tật mang”. Ông Khoa cho biết, việc một số đối tượng tự ý quảng cáo các phương thuốc chữa bệnh gia truyền mà chưa được cơ quan y tế cấp phép, không có cơ sở khoa học là hành vi vi phạm luật khám chữa bệnh và bị xử lý theo quy định. Chưa kể với nhiều bệnh, do người dân tin vào những bài thuốc dân gian của “thầy lang” chưa được kiểm chứng sẽ dẫn đến việc làm chậm quá trình điều trị bệnh, để đến khi bệnh không thể cứu chữa mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn.
“Do đó, để hạn chế việc người dân tin theo phương pháp khám chữa bệnh không có cơ sở qua internet hoặc truyền miệng, ngành y tế rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí để tuyên truyền cũng như cảnh báo người dân không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp phi khoa học, đánh cược sức khỏe bản thân. Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan y tế địa phương cũng cần vào cuộc cùng với Bộ Y tế để cung cấp thông tin, xử lý những đối tượng hành nghề trái phép” - ông Khoa cho biết.