Bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH, cao đẳng: Mấu chốt ở chất lượng

22-12-2016 15:30 | Thời sự

SKĐS - Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 15/12 vừa qua có nhiều thay đổi quan trọng.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 15/12 vừa qua có nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó, sẽ không giới hạn nguyện vọng, nghĩa là thí sinh được đăng ký rất nhiều nguyện vọng ngành, trường khác nhau. Cùng với đó là quy định bỏ điểm sàn đại học cao đẳng mà trước nay vẫn áp dụng. Với quy chế này, có ý kiến cho rằng, việc bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của các trường đại học.

Nếu như năm 2016, điểm sàn đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đó là con số 15, nghĩa là thí sinh thi THPT đạt 15 điểm cho tất cả các tổ hợp. Tuy nhiên, dự thảo tuyển sinh đại học năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ bỏ điểm sàn (tức điểm đầu vào đại học). Điều kiện cần chung nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ là do các trường quy định. Các trường phải công khai điều kiện đầu vào trong đề án của mình.

Nhận định về bỏ điểm sàn, nhiều ý kiến cho rằng, đây là chủ trương đúng. Bởi thực tế, 2 năm trở lại đây, việc duy trì điểm đầu vào không còn nhiều ý nghĩa khi chất lượng sinh viên là sự sống còn của các trường đại học.

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, bỏ điểm sàn, cơ chế đầu vào mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Dù công lập hay tư thục thì chất lượng đào tạo mới là yếu tố quyết định hàng đầu nên không thể cho rằng khi bỏ điểm sàn, các trường có thể lấy sinh viên tùy ý...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra rất quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các trường đại học, kể cả công lập hay ngoài công lập, đó là chất lượng sinh viên. Chất lượng đầu vào tốt cùng với đầu tư trong quá trình đào tạo tại các trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng. Nếu lấy thí sinh có điểm đầu vào quá thấp sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của nhà trường.

Câu chuyện tồn tại và phát triển của các trường đại học nhiều năm nay đã là bài toán đối với nền giáo dục đại học Việt Nam. Xã hội cũng đã nhìn rõ hơn bức tranh giáo dục đại học và thị trường việc làm. Thí sinh và phụ huynh cũng được tư vấn khá tốt về định hướng nghề nghiệp sau THPT. Bỏ điểm sàn hay không thì bài toán cần giải ở đây là tự thân các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo mới mong đảm bảo được sự tồn tại và phát triển dài lâu.


Hà Minh Ngọc
Ý kiến của bạn