Theo đó, 3 đoàn công tác kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu sẽ do 3 Thứ trưởng Bộ Công thương làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị: Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra, Vụ Pháp chế.
Về nội dung thực hiện, các đoàn công tác sẽ tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…
Trong đó, trọng tâm là việc kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo kế hoạch, 3 đoàn công tác sẽ thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nhưng sẽ hoạt động liên tục đến hết năm 2022 và cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu.
Hoạt động của các đoàn công tác không chỉ thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước tới lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mà thông qua việc thực hiện giám sát để “truy” gốc rễ vấn đề, từ đó có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời. Tổng cục Quản lý thị trường và cục quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các đoàn công tác, xử lý nghiêm minh các sai phạm.
Trong đó, Bộ Công thương trong vai trò cơ quan quản lý của nhà nước nhằm giám sát không chỉ doanh nghiệp mà giám sát các sở công thương, cục quản lý thị trường các địa phương đối với việc giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để bảo đảm không xảy ra biến động lớn và không tạo hiệu ứng xã hội phức tạp.
Xem thêm video được quan tâm:
Nguyên nhân chồng sát hại vợ rồi quyên sinh ở Thanh Hóa | SKĐS