Hà Nội

Bộ Công thương ‘quản’ livestream, bán hàng online thế nào?

03-06-2024 10:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Để phát triển hoạt động thương mại điện tử lành mạnh, bền vững, Bộ Công thương đã thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream.

Bộ Công thương vừa có báo cáo một số nội dung liên quan gửi đến các ĐBQH trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm

Báo cáo nêu rõ, năm 2023, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong những năm tới.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD…

Bộ Công thương ‘quản’ livestream, bán hàng online thế nào?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời chất vấn ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Để phát triển hoạt động TMĐT lành mạnh, bền vững, Bộ Công thương đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Theo đó, bên cạnh công tác hoàn thiện pháp luật và tiếp nhận, xử lý khiếu nại từ NTD; thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream.

Năm 2023, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan Công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân. Nhiều vụ việc bán hàng giả/hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm, đã bị triệt phá.

Thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng ngày càng tinh vi

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng đề cập những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động TMĐT như tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp.

TMĐT đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa... trong đó đã phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, "nghiện mua hàng".

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế được báo cáo chỉ ra là quy định về trách nhiệm và chế tài đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn thiếu và chưa đủ mạnh; bán hàng trên môi trường mạng phát triển quá nhanh trên địa bàn rộng (cả nước), với số lượng giao dịch rất lớn trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng.

Bộ Công thương ‘quản’ livestream, bán hàng online thế nào?- Ảnh 2.

TMĐT phát triển cũng đã gây nên một số hệ lụy.

Cùng với đó, các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng trên không gian mạng ngày càng tinh vi, trong khi một bộ phận NTD mới tham gia mua hàng online, dễ bị lôi kéo do các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ mua hàng giá rẻ.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Công thương cho biết thời gian tới sẽ khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ NTD trong thương mại điện tử.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến TMĐT như: bổ sung các khái niệm mới phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sửa đổi năm 2023; phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động TMĐT…

Bộ Tài chính thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng thế nào?Bộ Tài chính thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng thế nào?

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết sẽ thực hiện quản lý thuế và thu thuế đối hoạt động livestream bán hàng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn