Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận chuyển vai trò quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Tài Chính chuyển sang Bộ Công thương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến kết luận sau cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009.
Theo kết luận này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nhanh chóng hoàn thiện Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, chuyển cơ quan điều hành giá bán lẻ xăng dầu về Bộ Công thương. Cụ thể, Bộ này sẽ chủ trì Tổ điều hành giá xăng dầu và điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá, chủ trì hướng dẫn việc trích lập, quản lý, sử dụng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Như vậy, bên cạnh quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, tới đây Bộ Công thương sẽ có thêm chức năng điều hành giá bán lẻ mặt hàng này.
Trong sửa đổi bổ sung dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84, Thủ tướng yêu cầu, biên độ điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo 3 mức. Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3%, doanh nghiệp được tự ý điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng. Giá cơ sở tăng từ trên 3% đến nhỏ hơn hoặc bằng 7%, đơn vị đầu mối phải báo cáo liên bộ.
Trường hợp giá cơ sở tăng trên 7%, việc điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng. Thương nhân đầu mối được quyền chủ đọng giảm giá bán lẻ xăng dầu, đồng thời báo cáo việc thực hiện với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, không bổ sung mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá là yếu tố cấu thành giá cơ sở. Về chu kỳ tính giá cơ sở, giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày sát với ngày tính giá cơ sở.
Theo các chuyên gia, việc chuyển quyền điều hành từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có nhược điểm.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Bộ Công Thương được giao quản lý giá tức là Bộ Công Thương sẽ chịu hoàn toàn tất cả mọi trách nhiệm về giá xăng. Như vậy, công luận sẽ có địa chỉ rõ ràng để truy cứu trách nhiệm. Đây là một ưu điểm.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, cũng có vấn đề cần quan tâm. Bộ Công Thương vừa chịu trách nhiệm về xuất nhập khẩu, về việc đại diện quản lý nhà nước đối với Petrolimex (doanh nghiệp chiếm trên 50% thị phần) giờ lại quản lý giá xăng thì ai sẽ giám sát?
“Đây là câu hỏi lớn Quốc hội cần đặt ra cho Chính phủ. Bởi nếu Bộ Công Thương là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm, có quyền lực mà không có ai giám sát thì sẽ đi đến đâu?” - chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nói thêm: “Bộ nào quản thì cũng như thế nhưng quan trọng là phải có một cơ chế quản lý cụ thể để tránh những nghi ngại mà dư luận đang đặt ra. Hiện cơ chế mới chưa có thì việc dư luận đặt ra nghi ngại hoàn toàn có cơ sở và logic”.
Cũng theo vị này, Bộ Tài chính vẫn phải có trách nhiệm liên quan đến giá của doanh nghiệp nhà nước, giá của những sản phẩm thiết yếu. “Trong chuyện này thì theo tôi vẫn phải có cơ quan liên ngành chứ không thể để một bộ vừa quản xuất, nhập khẩu, độc quyền và nay quyết cả về giá được” - ông Nguyễn Minh Phong nói.
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho hay bản thân cơ quan này cũng không muốn việc điều chỉnh này mà vẫn muốn để Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì công tác điều hành giá xăng dầu, còn Bộ Công Thương thì phối hợp.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng khẳng định, nếu Chính phủ phân công thì Bộ xin chấp hành, và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc điều chuyển quản lý giá xăng dầu sang Bộ Công Thương là chuyện bình thường, vì “Luật Giá quy định như thế. Bộ Tài chính quản lý giá, hướng dẫn thanh kiểm tra, còn các bộ quản lý ngành sẽ điều hành giá cụ thể theo phân công của Chính phủ”.