Hà Nội

Bộ Công thương nói gì về việc Asanzo bóc nhãn Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam?

05-07-2019 10:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc có xuất xứ Trung Quốc, lắp lại thành sản phẩm và gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương kiểm tra xử lý và báo cáo Chính phủ.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 4/7/2019, nhiều ý kiến quan tâm đến quan điểm của Bộ Công thương liên quan đến loạt bài điều tra lật tẩy Asanzo, khi doanh nghiệp này có hành vi thay đổi, bóc nhãn mác “Made in China” và gắn mác “Made in Vietnam”? Có phải do những quy định về gắn nhãn mác hàng Việt hiện nay chưa có, khiến cho doanh nghiệp lợi dụng để gắn nhãn mác, xuất xứ là hàng Việt? Đồng thời đề nghị Bộ Công thương cho biết thông tin liên quan đến việc Bộ đang soạn thảo quy định về ghi nhãn mác hàng Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc có xuất xứ Trung Quốc, lắp lại thành sản phẩm và gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương kiểm tra xử lý và báo cáo Chính phủ.

"Hiện Bộ Công Thương đang tích cực và làm việc hết sức trách nhiệm và phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Chưa có quy định rõ ràng về hàng hóa xuất xứ Việt Nam

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể nào về việc thế nào là hàng hóa sản phẩm của Việt Nam, thế nào là hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43 ban hành năm 2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hoá lưu hành tại Việt Nam đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như tên nhà sản xuất, tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hóa và xuất xứ hàng hoá...

Công nhân làm việc trong nhà máy của Asanzo. Ảnh: Trung Sơn.

Nghị định này cũng quy định tại Điều 15 các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hoá có trach nhiệm tự xác định thông tin để đưa lên nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thương mại (FTA) khác nhau. Các Hiệp định này có các quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa.

Ví dụ, hiện nay, Việt Nam đang tham gia Khu vực tự do thương mại ASEAN. Để cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D lưu hành trong thị trường ASEAN thì hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ 40% hàng hóa được sản xuất trong ASEAN chứ không phải sản xuất trong Việt Nam. Điều này có nghĩa một sản phẩm có thể có 10% Thái Lan, 10% Indonesia, 15% Malaysia và chỉ 5% của Việt Nam thôi, thì chúng ta vẫn sẽ phải cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ mẫu D.

Như vậy, chúng ta vẫn chưa có 1 quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

“Văn bản này dự kiến ở cấp Thông tư, do Bộ Công Thương ban hành. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến rộng rãi các Hiệp hội, doanh nghiệp người tiêu dùng để được sát thực với thực tế và ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại như vừa qua” - ông Trần Thanh Hải cho biết.


L.Nguyên
Ý kiến của bạn