Bộ Công Thương lên kịch bản ứng phó căng thẳng thương mại toàn cầu

11-02-2025 21:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 11/2, Bộ Công Thương vừa có thông tin về thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2025. Trong đó, cơ quan này cho rằng, thương mại Việt Nam - Mỹ mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp.

Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, thương mại thế giới nổi lên ba xu hướng rõ rệt: "phi toàn cầu hoá" hay phân mảnh trong thương mại quốc tế khiến cho các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại. Bảo hộ thị trường thông qua các biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay các biện pháp phòng vệ thương mại. Các động thái chính sách khó đoán định khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, tổn thương, thậm chí đứt gãy.

Cùng với đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng... đồng thời từng bước triển khai việc áp dụng những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường... khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương hiện Mỹ đang thiết lập lại thị trường trong nước, xây dựng cơ chế thuế quan đối với hàng nhập để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước; áp thuế triệt để đối với hàng nước ngoài.

Bộ Công Thương lên kịch bản ứng phó căng thẳng thương mại toàn cầu- Ảnh 1.

Bộ Công Thương nêu giải pháp ứng phó căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

Gần đây, hai đối tác thương mại lớn của Mỹ là Canada và Mexico đã tiến hành các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và tạm thời được miễn trừ mức thuế nhập khẩu trong vòng 01 tháng. Dù vậy, mức thuế và thời hạn áp dụng vẫn được giữ nguyên đối với Trung Quốc dẫn tới việc Trung Quốc áp thuế trả đũa và hạn chế xuất khẩu nhiều loại khoáng sản quan trọng tới Hoa Kỳ.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 Hiệp định thương mại tự do và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có để khai thác có hiệu quả, phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Bộ Công Thương khuyến cáo, đối với thị trường Hoa Kỳ, kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ có tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.

Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Bộ Công Thương đánh giá trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ. Do đó, các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương nếu có sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA).

Về phía doanh nghiệp, Bộ Công thương khuyến cáo cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường....

Bên cạnh đó cần chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Xem thêm video được quan tâm:

Bộ Y tế yêu cầu hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh phải bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn |SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn