Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải khẳng định, với nhiều nguồn điện được bổ sung cùng với việc vận hành các nhà máy thủy điện theo kế hoạch điều tiết thì mùa khô 2012 sẽ không lo việc thiếu điện. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ thường xuyên giám sát, để không tái diễn tình trạng đứt nguồn cung xăng dầu như thời điểm tháng 4,5/2011.
Mùa khô này không lo thiếu điện
Tại buổi Họp báo trực tuyến tháng 2 của Bộ Công Thương tổ chức chiều 5/3 tại hai đầu cầu Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết, với nhiều nguồn điện được bổ sung cùng với việc vận hành các nhà máy thủy điện theo kế hoạch điều tiết thì mùa khô 2012 sẽ không lo việc thiếu điện.
Cụ thể: Tổ máy số 5 Thủy điện Sơn La đã thả rotor vào cuối tháng 2/2012, đảm bảo tiến độ phát điện vào cuối tháng 4/2012; Thủy điện Đồng Nai 4 chạy không tải vào ngày 03/3 để chuẩn bị phát điện tổ máy số 1.
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, ngay từ đầu tháng Ba, lãnh đạo Bộ đã chủ trì cuộc họp với các Tập đoàn để rà soát lại kế hoạch cấp điện, đồng thời lên các phương án nhằm cung cấp đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thường xuyên theo dõi phụ tải để điều hành cho hiệu quả, cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bố trí kế hoạch duy tu bảo dưỡng hợp lý các nhà máy khí nhằm đảm bảo việc cấp khí đủ cho EVN phát điện.
"Hai nhà máy cấp khí là Nam Côn Sơn và Cà Mau phải chạy đủ để phát điện cho nền kinh tế, tuy nhiên cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện nhằm giảm bớt việc khai thác tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường," ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực nhấn mạnh.
Về việc tiêu thụ điện từ Trung Quốc, lãnh đạo Cục điều tiết điện lực cũng cho biết, hiện không có chuyện phát ngược như mọi năm mà trên cơ sở cân đối nhu cầu trong nước để tính toán việc nhập khẩu.
Trước đó, tại buổi ký kết cắt giảm chi phí do EVN tổ chức ngày 21/2, lãnh đạo EVN đặt mục tiêu năm 2012 sẽ phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ diện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân với sản lượng điện thương phẩm đạt 105,18 tỷ kWh, tăng 11,9% so với năm 2011.
Trong năm 2012, Tập đoàn này sẽ đưa vào vận hành 8 tổ máy phát điện thuộc 4 dự án với tổng công suất 1.373 MW, gồm tổ máy 5, 6 thủy điện Sơn La (2 x 400MW); tổ máy 1,2 thủy điện Đồng Nai 4 (2x 170 MW); tổ máy 1,2 thủy điện Bản Chát (2 x 110MW); tổ máy 1,2 thủy điện Kanak (2 x 6,5MW).
Ngoài ra, sẽ khởi công 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.390 MW, gồm các dự án: Nhiệt điện Duyên Hải 3 (2 x 600MW); tổ máy 2 nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (330MW); Nhiệt điện Thái Bình 1 (2 x 300MW) và Thủy điện Trung Sơn (4 x 65MW). Hoàn thành và đưa vào vận hành 231 công trình lưới điện từ 110-500kV.
Bên cạnh đó, ngành Điện cũng cung cấp điện an toàn, đảm bảo cung ứng đủ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và điện sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là cấp điện cho các trạm bơm, kể cả các trạm bơm dã chiến trong thời gian lấy nước tập trung phục vụ đổ ải.
Qua hai đợt xả nước từ 3 hồ Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân của các địa phương Miền Bắc. Tổng lượng nước xả của cả 02 đợt là 3,97 tỷ m3 và diện tích đất có nước đạt 572,2 nghìn ha (bằng 90,1% kế hoạch).
Không để lặp lại kịch bản đứt nguồn cung xăng dầu
Cũng tại buổi họp báo, ông Võ Văn Quyền Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, Trước thông tin tại một số địa phương có hiện tượng tạm dừng, hoặc tiết giảm sản lượng bán hàng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên giám sát, không để tái diễn tình trạng đứt nguồn cung như thời điểm tháng 4,5/2011. Cùng đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
"Mặc dù đang trong thời kỳ khó khăn nhưng các doanh nghiệp đầu mối vẫn đảm bảo dự trữ trong 30 ngày," ông Quyền cho hay.
Những cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu đóng cửa, ngừng bán sẽ bị xử lý mạnh trong thời điểm này. (ảnh minh họa nguồn internet) |
Trước thông tin một số cửa hàng có dấu hiệu đóng cửa, ngừng bán, bán nhỏ giọt, phía Cục Quản lý thị trường khẳng định, đã tập hợp từ các tỉnh và yêu cầu các địa phương xử lý mạnh tay vấn đề này, không để tái diễn tình trạng găm hàng trục lợi.
Liên quan đến giá xăng dầu trong nước, qua trao đổi với một số doanh nghiệp đầu mối được biết, việc giảm 0% thuế xăng vẫn không ăn thua với đà tăng phi mã của giá xăng dầu thế giới. Nhiều ý kiến đang lo ngại giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục nóng vì thuế xăng đã hết đường lùi còn quỹ bình ổn thì đã cạn.
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, đợt giảm thuế vừa rồi cũng chỉ giúp giảm bớt áp lực chứ chưa thể đủ bù lỗ được, bởi ngày sau đợt giảm thuế thì giá xăng dầu trong nước vẫn lỗ từ 370-840 đồng tùy từng mặt hàng.
Còn tại thời điểm hiện nay, mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành rất cao, nhiều mặt hàng doanh nghiệp đang lỗ gần 2.200 đồng/lít.
Trong khi đó, thị trường xăng dầu thế giới hơn một tuần qua liên tiếp xác lập kỷ lục mới, hiện giá xăng A92 thành phẩm trong 30 ngày qua đã tăng lên xấp xỉ 128 USD/thùng, dầu diesel thành phẩm cũng tăng lên gần 138 USD/thùng.
"Đã có hiện tượng đổ dồn vào mua xăng của Petrolimex, nếu không có các biện pháp kịp thời sẽ lặp lại kịch bản như đầu năm 2011," ông Dũng lo ngại.
Đứng trước tình hình trên, ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh, để đảm bảo mục tiêu kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, liên Bộ tài chính-công thương sẽ có cuộc họp ngay trong tháng Ba này để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối.
"Câu chuyện giá, phí chủ trì là Bộ tài chính và biện pháp tăng giá, giảm thuế, giảm phí chỉ là một trong các biện pháp, còn lâu dài phải tiến tới việc vận hành theo cơ chế thị trường," ông Quyền nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2009 ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu để tăng cường trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời phối hợp Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu (giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý...) phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo không để gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Theo Đức Duy (Vietnam )