Ngày 29/11/2024, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã phối hợp tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở tại thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) với giá khởi điểm gần 2,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá được tổ chức theo hình thức đấu tối đa 6 vòng bắt buộc, bước giá là 3 triệu đồng/m2.
Tại vòng đấu thứ 5, hơn 40 lô đất đã được một nhóm khách hàng trả với giá rất cao. Trong đó, có 3 lô được trả tới trên 30 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng thứ 6 - vòng đấu cuối cùng, họ lại xin không trả giá tiếp. Thậm chí, một khách hàng đấu giá còn ghi trong phiếu trả giá dòng chữ rất lớn với nội dung là "Tôi sợ quá! Xin rút".
Sau cùng, chỉ có 22/58 lô đất được đấu trúng, mức giá dao động từ 32 - 50 triệu đồng/m2. Tất cả những người "hét" giá cao ở vòng 5 đều đã xin dừng trả giá ở vòng 6.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, khi tham gia phiên đấu giá tài sản, những người tham gia đấu giá mua tài sản phải tuân theo quy chế cuộc đấu giá, các quy định pháp luật có liên quan, sự điều hành của đấu giá viên nhằm đảm bảo quá trình đấu giá diễn ra khách quan, đúng theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, hành vi của nhóm những người tham gia đấu giá này có dấu hiệu cản trở hoạt động đấu giá tài sản, gây rối, mất trật tự tại phiên đấu giá theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016. Theo quy định pháp luật, hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh.
Theo đó, hành vi của những người tham gia đấu giá tài sản có thể bị xem xét bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được sửa đổi bổ sung bởi điểm a, khoản 22, Điều 1 Nghị định số 117/2024/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Trường hợp qua xác minh, giải quyết vụ việc, cơ quan có thẩm quyền phát hiện hành vi thông đồng, nhằm nâng giá và bỏ tham gia phiên đấu giá hoặc vì một động cơ, mục đích khác các đối tượng liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" theo quy định tại Điều 218 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt cao nhất có thể tới 5 năm tù và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Hoặc trường hợp nhóm các đối tượng nâng giá rồi bỏ tham gia phiên đấu giá, ảnh hưởng đến kết quả phiên đấu giá, làm gián đoạn phiên đấu giá, gây thiệt hại về tài sản cho các cơ quan, đơn vị có liên quan tới phiên đấu giá có thể bị xem xét, xử lý về tội danh "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù và phải bồi thường các thiệt hại cho những đơn vị bị thiệt hại.