Hà Nội

Bỏ chế độ “công chức, viên chức suốt đời”: Lợi hay không?

19-04-2019 11:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Đây là một trong những nội dung mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Gánh nặng chi lương từ ngân sách

Trước đó, tại Hội trường, đại biểu Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho rằng: Với gần 3 triệu cán bộ công chức, viên chức nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Hàng năm, ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc chưa cao. Trung ương Đảng cũng đã ra Nghị quyết 18, qua đó đặt mục tiêu giảm 400 nghìn biên chế trong 4 năm tới. Trước đó, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương và phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền. KTNN và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội  đã thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác thu chi ngân sách. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng biên chế công chức, viên chức càng tinh giản càng “nở ra”, góp phần làm tăng chi thường xuyên. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Bỏ chế độ “công chức, viên chức suốt đời”: Lợi hay không?Cải cách hành chính - Tinh giản biên chế để bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Cách trả lương hiện nay đang không căn cứ theo hiệu quả công việc, tăng lương định kỳ, nên dẫn đến tình trạng “làm chơi, ăn thật”, “sống lâu lên lão làng”, làm lâu thì lương cao... Chính vì không có thước đo đánh giá hiệu quả công việc một cách chính xác, minh bạch nên không thể tinh giản bất cứ ai trong hệ thống các cơ quan hưởng lương ngân sách Nhà nước, chưa kể có một số lượng không nhỏ trong số này là “con cha, cháu ông”. Đây cũng chính là lý do khiến cho hoạt động của bộ máy công quyền kém hiệu quả, trì trệ.

Nghịch lý: càng giảm - càng tăng

Chưa khi nào vấn đề sắp xếp lại bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương cho vấn đề này với mục tiêu phấn đấu trong 4 năm tới, cả nước sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế. Tuy nhiên qua 4 lần cải cách, số CBCC không những không giảm mà còn phình to hơn. Vì không quy định rõ được vị trí việc làm nên dẫn đến tình trạng trả lương theo kiểu “cào bằng”, còn tình trạng tăng lương cho người không xứng đáng được tăng; việc tăng lương theo định kỳ gây thêm khó khăn cho ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây không lâu đã phát biểu: “Có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”, đã ít nhiều cho thấy thực trạng cồng kềnh và trì trệ của giới công chức Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây không phải là vấn đề gì mới mẻ. Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ. Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải cứ vào công chức rồi thì cứ ung dung “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cũng chả ai làm gì được. Số lượng biên chế viên chức nhiều là minh chứng cho chính sách xã hội hóa dịch vụ công chưa hiệu quả. Cơ chế biên chế là nguyên nhân làm triệt tiêu động lực phấn đấu của người lao động và nó như một cái rọ an toàn cho những người yếu kém.

Nếu so sánh ở góc độ kinh tế, với 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” nghĩa rằng chúng ta đang có chừng hơn 700.000 cán bộ dôi dư, nhân với con số trung bình 3 triệu đồng/tháng, nghĩa là, mỗi năm Nhà nước lãng phí khoảng hơn 20.000 tỷ đồng để chi trả cho bộ máy công chức Nhà nước, mà ngân sách Nhà nước là tiền thuế của dân, từ mồ hôi công sức của những người nông dân họ đóng thuế để cho những công chức ngồi hưởng thụ trong các phòng điều hòa mát lạnh.

Hy vọng, với đề xuất của cơ quan soạn thảo, việc cải cách hành chính nói chung và cải cách tinh giản biên chế nói riêng sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Khi đó, vấn đề bội chi ngân sách sẽ được giải quyết, hiệu quả, hiệu lực của cơ quan Nhà nước sẽ được nâng lên, tình trạng sách nhiễu người dân sẽ được hạn chế...


Lâm Trần
Ý kiến của bạn