Bỏ biên chế trong giáo dục, y tế: Cần có chính sách cụ thể cho từng vùng miền

07-06-2017 09:00 | Thời sự
google news

SKĐS - ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang), giảng viên, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa có bài phát biểu liên quan tới chủ trương thí điểm bỏ biên chế trong giáo dục, y tế. Trong đó, PgS.Ts Lân Hiếu bày tỏ nhiều trăn trở với chủ trương này.

" Việc quyết định biến các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt động độc lập như một mô hình công ty, trao quyền rất lớn cho vị lãnh đạo trực tiếp của đơn vị tạo ra một mô hình chưa từng có trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, khi mô hình ấy chưa chính thức vận hành đã xuất hiện những bất cập ngày càng nhiều như: BHYT xuất toán ồ ạt ở tất cả các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, số lượng bác sĩ, giáo viên bỏ việc ở vùng sâu, vùng xa tăng mạnh, việc lạm dụng BHYT, lạm dụng các kỹ thuật cao diễn ra tràn lan… Vì vậy, Chính phủ cần hết sức thận trọng khi quyết định triển khai chủ trương này.



Pgs.Ts Nguyễn Lân Hiếu khám từ thiện cho trẻ em vùng cao

Tôi rất mong các vị lãnh đạo năng về thăm các xã vùng cao với đường vào không thể dùng xe ô tô thông thường đến được, gặp các cô giáo, các y bác sĩ đang ngày đêm bám trụ. Chúng ta không thể nói chỉ vì yêu nghề nên họ vẫn ở lại với bà con, họ vẫn cố gắng làm việc vì có một niềm tin vẫn đang nằm trong biên chế nhà nước, vẫn là công chức trong hệ thống. Nếu bỏ công chức trong giáo dục, y tế chúng ta cần một chính sách hết sức cụ thể cho từng vùng miền theo những đặc thù về địa chính trị khác nhau tránh cho sự sụp đổ một mạng lưới mà rất nhiều năm được dày công xây dựng.

PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu hiện là Chủ nhiệm bộ môn Tim mạch Trường đại học Y Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Chuyên gia tim mạch của Tổ chức Y tế Thế giới; Ủy viên Ban chấp hành Hội Tim mạch Việt Nam; Phó chủ tịch Hội tim mạch Nhi khoa và Tim bẩm sinh TP. Hồ Chí Minh; ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 của tỉnh An Giang.

 

Chúng ra đều biết, thuận lợi bỏ biên chế giáo viên đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày rất kỹ trong dự án “Xoá bỏ công chức ngành giáo dục và y tế”. Còn khó khăn đó là sẽ rất khó tìm được các thầy cô giáo, y bác sĩ làm ở vùng cao, biển đảo, vùng kém phát triển kinh tế, khó khăn trong việc đi lại. Ngoài ra khi trao quyền hạn lớn cho các Hiệu trưởng, Giám đốc BV nếu không có sự tuyển chọn đào tạo kỹ càng chúng ta hoàn toàn có khả năng rơi vào tình huống "trao trứng cho ác".

Việc trao quyền chỉ thực hiện được khi có cơ chế rõ ràng, mạch lạc, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị. Song song với đó là hoạt động đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị theo cơ chế mới. Hiện nay, các khoá đào tạo về quản lý giáo dục sử dụng tài liệu cũ và ít cập nhật hoặc phục vụ cho cơ chế hiện tại.

Theo tôi, nếu bỏ biên chế của y tế-giáo dục nên bỏ cả biên chế của toàn hệ thống, ngoại trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng. Đưa tất các cán bộ viên chức về chế độ hợp đồng có hoặc không có thời hạn với chế độ an sinh xã hội rõ ràng như hầu hết các nước trên thế giới. Vì nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm cho Ngành y tế-giáo dục tốt hơn thì tại sao giữ biên chế cho các ngành quản lý hành chính, các liên hiệp, tổ chức…Có như vậy, mới bỏ được tâm lý “chạy” được một xuất biên chế cho người nhà mình để có thể “yên ổn” suốt đời.

Theo tôi việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sang hợp đồng không quan trọng bằng việc đổi mới giáo dục như thế nào cho hợp lý. Đổi mới giáo dục là tất yếu vì nhược điểm của hệ thống giáo dục của VN ngày càng bộc lộ khiến dư luận xã hội hết sức hoang mang lo lắng. Tuy nhiên cần luôn nhớ đổi mới không phải xoá bỏ hoàn toan cái cũ để xây cái mới. Mọi đổi mới đều phải trả giá cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mọi quyết định của các nhà quản lý vĩ mô sẽ tiêu một lượng tiền thuế của dân và hiệu quả không phải ngày một ngày hai mà phải nhiều năm sau mới thấy được. Những nhà lãnh đạo, người làm các chương trình giáo dục luôn mạnh miệng phê phán các chương trình giáo dục cũ đừng quên rằng chính họ đã được đào tạo từ chính chương trình đấy và họ đã “thành công” như ngày hôm nay.

Ý kiến cá nhân của tôi là hãy tạo ra một chương trình giáo dục mở, đừng ép buộc những tiêu chí cứng nhắc bắt tất cả học sinh trở thành bác học với mớ kiến thức khổng lồ, “tài đức vẹn toàn”. Hay đưa các chương trình hỗ trợ kỹ năng, ngoại ngữ … do các đơn vị độc lập do các cá nhân hoặc tổ chức dân sự quản lý phối hợp với chương trình đào tạo kiến thức. Riêng tôi được theo học chương trình đổi mới giáo dục thực nghiệm của GS Hồ Ngoc Đại khởi xướng từ lớp 1 đến lớp 10 nhận thấy đây là mô hình tương đối tốt nên kế thừa và phát triển đừng xoá bỏ gây lãng phí và không chắc chắn mô hình mới có tốt hơn không."

 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có ý kiến về việc thí điểm xóa bỏ công chức viên chức:"Theo tôi, tự chủ ở giáo dục phổ thông chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự. Hiện nay, vai trò chủ động của các trường vẫn chưa thực hiện một cách có hiệu quả, khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường. Điều này dẫn đến giáo dục chưa mang lại hiệu quả cao. Sắp tới, chúng ta phải giáo cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên thay vì hiện nay, việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng nên các giáo viên có thể yên tâm."

Hà Anh
Ý kiến của bạn