Ba thuốc này được sử dụng trong vòng 7 ngày sau khi bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng, được coi là an toàn, và làm ngắn lại thời gian phát tán của virus so với việc chỉ dùng lopinavir-ritonavir (3 thuốc: 7 ngày, chỉ dùng lopinavir-ritonavir: 12 ngày).
Thử nghiệm giai đoạn 2 này không bao gồm các bệnh nhân nặng, và các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng chúng ta cần thử nghiệm giai đoạn 3 trên các bệnh nhân nặng để xác định xem liệu việc dùng 3 thuốc này có mang lại lợi ích lâm sàng rõ rệt không.
Bác sĩ Kwok-Yung Yuen tại Đại học Hồng Kông, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Thử nghiệm của chúng tôi cho thấy việc điều trị sớm COVID-19 ở thể nhẹ và vừa bằng hỗn hợp 3 thuốc kháng virus có thể nhanh chóng ức chế lượng virus trong cơ thể bệnh nhân, làm giảm nhẹ các triệu chứng, và giảm nguy cơ cho các nhân viên y tế qua sự giảm thời gian và số lượng virus phát tán (khi virus có để được phát hiện và có khả năng lây bệnh). Hơn nữa, sự kết hợp điều trị này có vẻ như an toàn và dung nạp tốt bởi bệnh nhân. Tuy nhiên, dù kết quả ban đầu này rất khả quan, chúng ta cần xác nhận trong thử nghiệm giai đoạn 3 liệu dùng interferon beta-1b một mình hoặc kết hợp với các thuốc khác có hiệu quả với các bệnh nhân nặng không.”
Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19
Bác sĩ Matthew Heinz tại trung tâm y tế Tucson, người tham gia vào nỗ lực chống bệnh Ebola của chính phủ Mỹ dưới thời ông Obama, cho biết: Các thuốc này có một số thuộc tính kháng virus đã được kiểm nghiệm. Lopinavir-ritonavir là một thuốc kháng virus dùng để chữa HIV, và ribavirin được sử dụng để chữa viêm gan C. Interferon beta-1b có sẵn trong cơ thể người để kháng lại các bệnh truyền nhiễm do virus như cúm mùa, và thường được sử dụng để chữa bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không bao gồm các bệnh nhân nặng và nguy kịch. Bởi vậy, chúng ta không biết liệu các bệnh nhân COVID-19 nặng nhất có được hưởng lợi từ phương pháp điều trị này không. Tuy nhiên, thử nghiệm này là một bước tiến trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19.
Tiến sĩ Sarah Shalhoub, từ Đại học Western, Canada, cho biết: "Hầu hết các nghiên cứu được công bố cho đến nay đều là hồi cứu hoặc quan sát. Do đó, thiết kế ngẫu nhiên, có kiểm soát này sẽ đóng góp đáng kể vào công cuộc nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh, loại bỏ một số hạn chế vốn có của nghiên cứu hồi cứu".
Nghiên cứu này đưa chúng ta tới gần hơn với một phác đồ điều trị SARS-CoV-2 hiệu quả. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để kiểm tra hiệu quả của interferon beta-1b khi dùng một mình hoặc kết hợp với các thuốc khác trên bệnh nhân COVID-19.