Blouse trắng - Giấc mơ hội nhập và phát triển

10-08-2018 08:18 | Y tế
google news

SKĐS - Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, ngày nào chúng tôi cũng phải làm việc trong điều kiện khó khăn, cường độ công việc khám chữa bệnh rất cao và vất vả, phải thăm khám và tiếp nhận khoảng 700 - 800 lượt người bệnh điều trị, chăm sóc, phẫu thuật nội trú.

Công việc nhiều áp lực là vậy, nhưng khi biết bệnh viện ra mắt và đi vào hoạt động Câu lạc bộ giao tiếp bằng tiếng Anh dành cho bác sĩ và điều dưỡng, mọi người ai nấy đều hào hứng tham gia, đặc biệt khi biết giảng viên là một chuyên viên đến từ nước Mỹ và sinh sống ở Việt Nam được 10 năm. Ông đã từng tham gia giảng dạy và hướng dẫn cho rất nhiều người Việt Nam, trong đó có nhiều bác sĩ và điều dưỡng tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc.

Khai giảng Câu lạc bộ giao tiếp tiếng Anh tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc.

Khai giảng Câu lạc bộ giao tiếp tiếng Anh tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc.

Tôi chợt nhớ đến một lần đi tập huấn tại một bệnh viện lớn, được tiếp nhận và chăm sóc một bạn nhỏ đến từ nước Mỹ. Vì bố mẹ bạn nhỏ làm việc ở Việt Nam, cậu bé sang chơi do không hợp với khí hậu nên đã phải vào viện với chẩn đoán là “viêm phế quản phổi”.

Tuy không phải là lần đầu tiên tiếp xúc với người nước ngoài, song tôi vẫn chưa đủ tự tin để giao tiếp với họ. Bởi đặc thù công việc của tôi ít phải sử dụng đến tiếng Anh, nếu có chỉ là một vài câu tiếng Anh chuyên ngành. Lúc này, một đồng nghiệp của tôi đang băn khoăn không biết làm thế nào nếu như được phân công chăm sóc bạn nhỏ đó, liền quay sang hỏi tôi:

- Cậu có biết tiếng Anh không?

- Cũng chỉ sơ qua thôi!

- Thế thì tốt rồi, nghe đâu cậu bé này phải điều trị tại khoa dài ngày đấy.

Nghe đến đây tôi thấy lo lo, mình chỉ biết mà không thường xuyên sử dụng sẽ quên hết. Hôm sau, không ngoài dự đoán, sau buổi giao ban, tôi được phân công chăm sóc phòng cậu bé đó.

Ồ! Nhìn cậu bé thật dễ thương, ánh mắt cậu bé nhìn tôi như muốn nói rất nhiều điều. Nhưng thật khó khăn để tôi có thể hiểu hết được những điều gia đình và cậu bé mong muốn. Điều mà tôi có thể làm đó là cặm cụi chăm sóc cho bạn nhỏ đó thật tốt. Và rồi những đợt sốt cao làm đôi môi của bạn ấy khô và rộp lên, bố bạn nhỏ lo lắng hỏi tôi:

- Môi bạn khô làm thế nào cho hết khô? Có được thấm nước vào môi không?

Thấy tôi ngơ ngác, ông diễn tả bằng hành động và mở iphone nhờ goole dịch. Mặc dù tôi hiểu nhưng không biết diễn tả thế nào để hướng dẫn và giải thích cho họ bởi vốn từ tiếng Anh của tôi còn hạn hẹp, lúc này tôi cảm thấy nuối tiếc tại sao mình lại không chịu khó học tiếng Anh từ trước nhỉ? Thường thì ở một bệnh viện tuyến tỉnh như chỗ chúng tôi lượng người bệnh nước ngoài thăm khám và điều trị như tuyến Trung ương cũng không nhiều, song việc học thêm một ngôn ngữ nữa nhằm phục vụ cho bản thân trong giao tiếp và nâng cao trình độ chuyên môn là rất cần thiết. Nhiều khi cũng biết thế, bản thân chúng tôi cũng rất muốn học hỏi, nhưng vì không có điều kiện và thời gian. Hết việc ở cơ quan, chúng tôi lại vội vã về chăm lo gia đình nên không thể đến các trung tâm tiếng Anh để tham gia các khóa học được.

Sau thời gian chăm sóc tích cực, bạn nhỏ đó ổn định ra viện. Bạn nhỏ tạm biệt tôi bằng cái hôn ngọt ngào trên trán. Thế nhưng khoảng thời gian chăm sóc bạn nhỏ người Mỹ đó giúp tôi có động lực để học ngoại ngữ hơn, đặc biệt khi nghĩ đến những câu nói của TS.BS. Lê Hồng Trung là người đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm cơ hội và thúc đẩy trào lưu học tập, nhất là tiếng Anh tại các buổi hội nghị trước cán bộ, nhân viên bệnh viện, nhất là với các thầy thuốc trẻ, ông đã chia sẻ: Tiếng Anh là một công cụ tốt nhất để có thể lấy được kiến thức y học trên thế giới. Sử dụng tốt tiếng Anh có thể kéo gần được khoảng cách về trình độ giữa bệnh viện của chúng ta với các bệnh viện lớn trong nước và các nền y học tiên tiến trên thế giới.

Đúng như vậy, nếu như tôi nói tốt tiếng Anh, ngoài việc chăm sóc tốt, tôi sẽ có thể kể cho bạn nhỏ ấy nghe về vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, về sự thân thiện và mến khách của chúng ta, cùng với những vẻ đẹp thuần khiết của những người thầy thuốc Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tự tin khi tham gia các hội thảo được trình bày bằng tiếng Anh, tiếp nhận một cách hiệu quả để học tập kinh nghiệm và kiến thức từ nền y học tiên tiến trên thế giới ứng dụng trong công việc hàng ngày. Chúng tôi luôn nhận thấy việc học thêm một ngôn ngữ nữa là rất cần thiết và sẽ càng nỗ lực cố gắng hơn để hoàn thiện mình.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc ngày càng cao nên đòi hỏi người thầy thuốc không ngừng học tập, nỗ lực cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ cho việc điều trị và chăm sóc sức khỏe của toàn dân được tốt hơn.


Anh Đào (Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc)
Ý kiến của bạn