Vào đúng những ngày đầu tiên của tháng cuối năm 2013, tại TP.HCM, các bác sĩ (BS) thuộc các BV tuyến cuối đã đồng loạt lên đường làm nhiệm vụ luân phiên xuống làm việc và hỗ trợ cho tuyến dưới. Để lần đầu tiên, người dân Cần Giờ, Chủ Chi được khám sản và nhi ngay trên mảnh đất mình gắn bó những năm qua.
“Nhật ký... xung kích”!
“Cần Giờ ngày 4/12. Trong hơi gió biển mằn mặn thổi vào từ rừng đước, mình đã run run nói lên cảm tưởng khi được mời lên phát biểu tại Lễ ra quân luân phiên BS được Sở Y tế tổ chức tại BV. Cần Giờ. Mình đã hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ BV giao phó và không phụ lòng tin tưởng của các đồng nghiệp nơi đây. Quan trọng hơn, là bao nhiêu người bệnh nghèo, chân chất với nước da ngăm ngăm mà từ hôm xuống đây mình đã gặp. Mình sẽ nhớ lời khen của một dì được mình khám đã cầm tay mình và nói: “Con còn trẻ mà giỏi ghê hen!”.
Một BS trẻ trong đợt luân phiên đầu tiên đã viết trên Facebook của mình như thế!
Và hôm đó, trong lễ ra quân, chúng tôi cũng đã có mặt ở BV. Cần Giờ và chứng kiến trong buổi lễ giản dị mà ý nghĩa này, rất nhiều cảm xúc tương tự. BS. Nguyễn Thành Nhân, Khoa hồi sức - cấp cứu BV. Nguyễn Tri Phương, có lẽ là BS trẻ nhất (sinh năm 1987) được cử đi luân phiên trong đợt đầu này, chia sẻ: “Được BV.Nguyễn Tri Phương cử đi luân phiên đợt này là một vinh dự với những BS trẻ như tôi. Đây vừa là một nhiệm vụ, vừa là niềm tự hào và sẽ là một trải nghiệm để các BS trẻ rèn luyện một bản lĩnh nghề nghiệp và cùng các đồng nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh nghèo tại địa phương.”
Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1, BV Từ Dũ, BV đa khoa khu vực Củ chi đến luân phiên tại BV huyện Củ Chi. Đây là BV gặp khó khăn nhất về nhân lực, chỉ có 11 BS, không có BS sản, không có BS nhi.
Không chỉ các BS trẻ mới háo hức lên đường “xung kích”, các BS tuổi U40 - 50 cũng rất phấn khởi và quyết tâm đi làm nhiệm vụ. Một trong những người như thế là BS.CKI. Võ Thị Đem, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BS Khoa sản A, BV. Từ Dũ ngày ngày vượt hơn 60km với gần 6 giờ đồng hồ đi đi về về bằng xe bus luân phiên xuống nơi “công tác mới” là BV. Củ Chi. BS. Đem tâm sự: “Việc đi lại có vất vả đôi chút nhưng khi xuống đến nơi, nhìn bệnh nhân nghèo đang ngồi chờ khám lại thấy rất xúc động, có thêm động lực để làm việc. Tạm thời BV phân công thì mình xung phong đi liên tiếp trong 3 tháng. Sau đó sẽ tính xem thời gian luân phiên thế nào cho phù hợp nhất”. Theo BS. Đem, do BV.Củ Chi không có BS sản khoa (cả BV.Củ Chi chỉ có 10 BS - PV) nên BS luân phiên gần như vừa khám thai, tư vấn thai, khám phụ khoa, siêu âm thai sản phụ và... đỡ đẻ! Và hiện nay, trung bình mỗi tháng cũng có 25 - 26 trẻ được chào đời tại BV. Củ Chi.
Và để ngày càng nhiều sản phụ được chăm sóc, sinh nở lại BV địa phương, BS. Đem đã đề xuất BV.Củ Chi tuyển BS để gửi lên BV.Từ Dũ học tập chuyên môn nhằm thay thế các BS của BV.Từ Dũ khi thời gian luân phiên kết thúc, trở lại BV chủ quản tiếp tục công tác.
Đây cũng đồng thời là “suy nghĩ” chung của các BS luân phiên và các BV cử BS đi làm nhiệm vụ. BS. Hoàng Lê Minh Hiền, chuyên khoa sản BV. Hùng Vương đã cùng các BS luân phiên và y bác sĩ BV.Cần Giờ “xây dựng” một chuyên khoa sản có thể đảm đương được công tác khám và cấp cứu sản khoa, đặc biệt là có thể mổ bắt con với “công suất”. Chị Phạm Thị Huệ, nữ hộ sinh chính của BV, cho biết: với sự nhiệt tình và tận tâm của các BS luân phiên, trong năm qua, các BS và y bác sĩ BV. Cần Giờ đã mổ hơn 100 ca bắt con và rất tự tin trong các ca mổ sinh cũng như chăm sóc thai kỳ và cấp cứu, điều trị sản khoa khác.
Một đề án nhân văn vì sự công bằng y tế
TS.BS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: khác với đề án 1816 là chuyển giao kỹ thuật, BS luân phiên sẽ làm nhiệm vụ trực tiếp khám chữa bệnh hàng ngày. Các BS luân phiên sẽ là đầu mối, cầu nối để khảo sát nhu cầu của BV tuyến dưới, xem tuyến dưới cần gì sẽ chuyển giao kỹ thuật đó.
“Đề án có tính xã hội sâu sắc, kịp thời đáp ứng nhu cầu của các BV quận, huyện, góp phần giảm quá tải và thực hiện công bình y tế. BS. Thượng nói.
Chủ trương kịp thời của chính quyền và ngành Y tế TP.HCM đã đem đến những kết quả cụ thể và thiết thực. Theo BS. Đoàn Ngọc Huệ, Giám đốc BV.Cần Giờ, việc các BS tuyến trên về hỗ trợ cho tuyến dưới từ 2 năm trước qua đề án 1816 đã giúp cho khả năng chẩn đoán và điều trị của BV tuyến dưới được nâng lên và bước đầu tạo được lòng tin của người dân địa phương, tin tưởng đến khám và điều trị. “Đến đề án luân phiên, chúng tôi thực sự rất vui mừng vì các chuyên khoa đang thiếu và yếu (nội, ngoại, sản, nhi) sẽ được BS tuyến trên về và cùng BV xây dựng. Một số BS chuyên khoa Nhi luân phiên về BV.Cần Giờ sẽ là sơ sở bước đầu để BV xây dựng và thành lập được khoa nhi trong một vài năm tới. BS. Huệ nói.
Chính bởi ý nghĩa thực tế và nhân văn, đề án đã được các BV hết sức ủng hộ. BS.CKII. Trần Thiện Vĩnh Quân, Phó Giám đốc BV.Hùng Vương cho biết, BV đã cử 30 BS của Hùng Vương luân phiên nhau xuống BV.Cần Giờ. BS. Vĩnh Quân phấn khởi chia sẻ: “Điều đáng mừng là hiệu quả của đề án đã thấy rõ được qua việc tổ chức khám chữa bệnh, sàng lọc sản khoa hàng ngày, hàng tháng. Qua đó, hạn chế được rất nhiều ca bệnh nặng về sản khoa phải chuyển lên BV.Hùng Vương, Từ Dũ. Đây là động lực để các BS của BV.Hùng Vương sẽ và tiếp tục kiên trì nhiệm vụ tốt đẹp và đầy ý nghĩa này của TP.HCM nói riêng và của ngành Y tế Việt Nam nói chung!”.
Đề án luân phiên đối với cán bộ y tế tại các cơ sở công lập trên địa bàn TP giai đoạn 2013 - 2020 được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 17/11/2013. Trong đợt đầu ra quân, các BS thuộc các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, ngoại tổng quát, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi... của các BV.Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, ĐK Khu Vực Củ Chi, BVĐK Khu Vực Thủ Đức, Nhân Dân Gia Định, Nhân Dân 115, Cấp Cứu Trưng Vương, BV. Tai Mũi Họng và BV. Mắt sẽ về hỗ trợ tuyến dưới là các BV tại Huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, quận 6, quận 9... Mỗi BS luân phiên với thời gian tối thiểu 12 tháng.
Đề án hướng đến mục tiêu trước năm 2020, 100% trạm y tế phường xã đều có BS từ tuyến quận huyện về tăng cường và trên 70% cơ sở y tế quận huyện được BS từ BV tuyến trên về hỗ trợ.
Tuân Nguyễn