Blog thầy thuốc: Nhớ mãi ngày ấy

26-07-2014 14:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi còn nhớ mãi ngày ấy, đó là một buổi chiều chủ nhật, tôi phải trực tại phòng cấp cứu. Sau khi khám bệnh nhân...

Sau khi tốt nghiệp trường y với mảnh bằng loại khá hệ đa khoa, tôi xin làm công quả ở khoa cấp cứu của bệnh viện H. Vào lúc đó, xin được làm công quả (không có thù lao) tại một bệnh viện lớn như bệnh viện H đã là một thành công lớn rồi. Bởi vì chỉ sau 2 - 3 năm là xin được làm hợp đồng, rồi sau nữa là mơ đến biên chế. Trong khi nhiều bạn bè tôi phải đi vùng sâu, vùng xa mới có một công việc, chưa biết đến bao giờ mới được về làm ở thành phố. Làm ở khoa cấp cứu phải trực đêm khá dày, bệnh tình đa dạng nên nhiều đứa công quả chịu không nổi đã xin ra, rồi đi làm trình dược viên... Riêng tôi, nhờ có sức khoẻ tốt sau 6 năm học đường với môn tập thể dục thể hình nên đã bám trụ tốt.

Tích cực cứa chữa cho bệnh nhân cấp cứu.

Tôi còn nhớ mãi ngày ấy, đó là một buổi chiều chủ nhật, tôi phải trực tại phòng cấp cứu. Sau khi khám bệnh nhân để xem giữ lại theo dõi hay chuyển lên các khoa phòng xong, tôi ngồi nghỉ tại bàn trực tán gẫu với mấy chị y tá. Được một lúc thì xuất hiện ở cửa phòng một bệnh nhân được 4-5 thanh niên hộ tống, dìu dắt vào phòng cấp cứu. Tôi liền đến khám ngay. Sơ bộ cho thấy bệnh nhân bị vết thương phần mềm ở đầu, tay và chân do tai nạn giao thông, làm máu chảy khá nhiều. Tôi bảo các thanh niên đi cùng khiêng bệnh nhân vào phòng để khâu vết thương.

Do tai nạn xe nên bệnh nhân bị xây xát khá nhiều với các vết rách ở đầu tay và chân. Sau khi làm sạch vết thương xong, tôi liền khâu vết thương ở đầu trước, rồi mới đến tay và chân. Mải miết với công việc, bỗng dưng tôi cảm thấy túi áo bên trái ngọ nguậy. Liếc sang trái, tôi thấy một thanh niên đi cùng giúi tiền vào túi áo bên trái của tôi. Tôi liền bảo anh ta cất tiền đi, vì đây là nhiệm vụ của một bác sĩ, tôi không thể nhận tiền của bất kỳ ai. Tay tôi đang dính máu nên không thể rút tiền ra được. Còn anh thanh niên đó thì cứ nói: “Thấy bác tận tình quá nên em bồi dưỡng bác chút đỉnh, không sao hết”. Trong tình huống ấy, xung quanh chẳng có cô y tá nào nên tôi cũng im luôn. Hoàn tất xong, tôi đi rửa tay. Lúc này, trong tôi có hai ý nghĩ giằng xé: trả tiền lại hay không trả. Thằng “người” trong tôi nhủ rằng phải trả, còn thằng “con” lại bảo không trả vì nếu trả, mọi người sẽ cho rằng tên bác sĩ này thật thà và khờ quá”. Nghiêng về thằng “con” thôi, tôi tự nhủ với lòng mình.

Một lúc sau, tôi nghe tiếng ồn ào ở bàn trực vọng đến. Thì ra mấy chị y tá yêu cầu người nhà bệnh nhân nọ nộp tiền tạm ứng. Mấy anh thanh niên đó không những không nộp mà còn lớn tiếng: “Tụi tao boa rồi, còn gì nữa mà nạp”. Họ rượt đánh mấy chị y tá, rồi lùa hết giấy tờ sổ sách để ở bàn trực xuống đất, la hét om sòm náo động cả khoa cấp cứu. Tuy to con (cao 1m70, nặng 75kg) nhưng tôi vẫn ớn (tụi nó có 5 thằng lận), thế là trốn biệt sang khoa khác gọi điện thoại 113 đến.

Một lúc sau, khi đã bình yên trở lại, tôi mới mò về. Tội nghiệp mấy chị y tá mặt mày tái mét đi lượm sổ sách hồ sơ đặt lại trên bàn. Không nói gì cả, tôi lẻn vào phòng trực ở luôn đó. Run run sờ tay vào túi, tôi thấy tờ 100.000 đồng (vào những năm đầu thập kỷ 90, nó to lắm!). May mà mấy chị y tá không biết chuyện này. Nán lại trong phòng một lúc, tôi liền nghĩ ra một ý sửa sai. Vào căng-tin bệnh viện mua nước ngọt và bánh kẹo mang về phòng, tôi nói với mấy chị y tá là để “tẩy trần” sau vụ đó. Mọi người đều vui vẻ.

Bây giờ đã có đường dây nóng, y đức cũng đã được thử thách, chỉ đôi lúc ở đâu đó có con sâu làm rầu nồi canh. Còn thì “thầy thuốc như mẹ hiền”.

BS. Ngô Văn Tuấn

 


Ý kiến của bạn