Một ngày đẹp trời nọ, thời tiết không nắng không mưa, không khí mát mẻ dễ chịu, tôi bắt đầu một ngày mới.
Đi xe tới bệnh viện, thay đổi trang phục công tác, dự giao ban buổi sáng của khoa và sau đó là thăm khám lại cho các bệnh nhân trong nhóm được phân công. Công việc trôi qua tuần tự, như mọi ngày và hoàn toàn suôn sẻ.
Hôm nay, theo lịch phân công là tới ca trực của tôi, tôi sẽ tiếp nhận và khám, cho y lệnh thuốc cho các bệnh nhân mới. Khoảng 10 giờ sáng, bệnh nhân mới nhập khoa đã được chuyển lên: đây là một bệnh nhân nam có sử dụng ma túy đá và muốn vào viện điều trị.
Sau khi mời bệnh nhân ngồi, tôi tiến hành hỏi lại các thủ tục hành chính: tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, trình độ học vấn, lý do vào viện. Bệnh nhân nhìn ra cửa, trả lời nhát gừng một cách rất bực dọc. Sau một vài câu hỏi, bệnh nhân hỏi lại tôi một câu: “Xin lỗi, anh là ai? Sao lại hỏi tôi như hỏi cung thế?”.
Tôi bị đứng hình trong một khoảng thời gian và bất chợt nhận ra mình đã quên bước đầu tiên trong khám bệnh và điều cấm kỵ trong giao tiếp: chào hỏi và tự giới thiệu. Sau khi xin lỗi và giới thiệu bản thân cho bệnh nhân, anh ấy đã hợp tác hơn rất nhiều, việc khám bệnh rất suôn sẻ, trái ngược hẳn với khoảng thời gian lúc đầu.
Ứng xử của người thầy thuốc có tác động rất lớn đến người bệnh.
Có lẽ với bất kỳ thủ thuật y tế nào cũng như việc thăm khám cho bệnh nhân, bao giờ cũng phải chuẩn bị bệnh nhân, chào hỏi, an ủi động viên, giải thích về công việc mình làm. Nhưng với áp lực của việc quá tải bệnh viện, sự yêu cầu, hối thúc của công việc, từ phía bệnh nhân và người nhà vô tình đã khiến các y, bác sĩ phải cắt giảm một số bước, một trong những bước thường được giảm chính là bước đầu tiên hết sức quan trọng: chào hỏi và giới thiệu. Lâu dần, có lẽ một số trong chúng ta đã quên mất công việc quan trọng là chào hỏi và giới thiệu bản thân cho bệnh nhân, có nhiều bệnh nhân thậm chí không thể nhớ nổi tên của bác sĩ đã điều trị cho mình.
Chúng ta cùng điểm lại những câu nói quen thuộc tại các vị trí. Đối với khu tiếp đón và phòng khám: “Bác khám gì? Bác đau ở đâu? Sao bác lại tới khám?”. Tại nơi thu tiền viện phí và nơi làm xét nghiệm: “Bác xếp giấy ở đây và ngồi chờ tới lượt”. Tại buồng bệnh khi thực hiện y lệnh: “Bệnh nhân A tiêm bắp, bệnh nhân B tiêm ven, bệnh nhân C truyền thuốc pha với kháng sinh”. Thật hiếm hoi nghe được câu nói: “Chào bác, bác cần giúp gì ạ?”.
Tôi nhớ lại một bài thơ của đứa cháu con anh họ đang học lớp hai, bài thơ có tựa đề Lời chào đi trước. Nội dung của bài thơ chỉ cho ta thấy tác dụng của việc chào hỏi và khuyên chúng ta nên “mang” lời chào đi theo. Phải chăng theo thời gian, chúng ta đã tạm “cất” nó lại?
Tác dụng của lời chào rất lớn, nó giúp tăng cường mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh, giúp không khí của buổi khám bệnh bớt căng thẳng, tăng cường sự hợp tác từ phía người bệnh. Nhiều khi người bệnh rất muốn hỏi một số vấn đề liên quan tới bệnh cũng như việc dùng thuốc nhưng “sợ, ngại” nên họ không dám bày tỏ, khi đó, nếu chúng ta mở đầu bằng một lời chào và hỏi han sẽ giúp người bệnh cảm thấy mình được quan tâm, chia sẻ và chắc chắn họ sẽ nói ra những vấn đề này, giúp cho việc chẩn đoán và theo dõi điều trị tốt hơn. Lúc chọn lựa một cơ sở y tế để điều trị, người bệnh sẽ ưu tiên tìm tới một cơ sở điều trị niềm nở trong giao tiếp nếu như chất lượng của các cơ sở khác là ngang nhau. Việc chào hỏi, trò chuyện trong khi thực hiện các thủ thuật, tiêm truyền làm giảm bớt những đau đớn mà người bệnh phải chịu. Thậm chí có một số bệnh chỉ cần được quan tâm, chia sẻ là bệnh đã giảm bớt rất nhiều như trong một số chứng bệnh tâm lý, căng thẳng.
Việc chào hỏi tưởng chừng rất nhỏ nhưng mang lại nhiều lợi ích rất lớn. Vì thế, nên chăng mỗi lần thăm khám hay thực hiện thủ thuật với người bệnh, chúng ta hãy bắt đầu bằng câu chào hỏi lịch sự, thân thiện: “Chào bác/anh/chị!”.
BS. Nguyễn Khắc Dũng